Viêm não cấp là bệnh truyền nhiễm có thể gây tử vong hoặc để lại nhiều di chứng nặng ở trẻ em.
Viêm não cấp gây tổn thương cho cả nhu mô não và màng não. Có rất nhiều loại virus có thể gây viêm não, do đó bệnh này có nhiều tên gọi khác, tùy thuộc theo loại virus gây bệnh.
1. Viêm não cấp là gì?
Viêm não cấp là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính hệ thần kinh trung ương. Có nhiều nguyên nhân gây viêm não, chủ yếu là do virus.
Tùy loại virus, bệnh có thể lây qua trung gian muỗi đốt (đối với viêm não Nhật Bản), đường hô hấp hoặc đường tiêu hoá…Bệnh thường xảy ra ở trẻ nhỏ với các độ tuổi khác nhau. Bệnh thường khởi phát cấp tính, diễn biến nặng và có thể dẫn đến tử vong nhanh hoặc để lại di chứng nặng nề.
Hình ảnh màng não bị viêm
2. Các loại viêm não cấp phổ biến ở trẻ
Bệnh viêm não cấp ở nước ta xuất hiện rải rác quanh năm, ở nhiều địa phương khác nhau. Có nhiều loại viêm não, đầu tiên phải kể đến virus gây viêm não.
2.1. Viêm não Nhật Bản
– Lưu hành ở hầu hết các tỉnh, thành .
- Xuất hiện rải rác quanh năm, thường xảy ra thành dịch vào các tháng 5,6,7
- Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, nhiều nhất là ở trẻ từ 2 đến 8 tuổi.
2.2. Viêm não do virus khác
– Virus đường ruột (Enterovirus):
- Bệnh xảy ra quanh năm, thường vào các tháng 3, 4, 5, 6.
- Bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa.
- Thường gặp ở trẻ nhỏ.
- Virus Herpes Simplex:
- Thường là Herpes Simplex typ 1 (HSV1).
- Bệnh xảy ra rải rác quanh năm, lây truyền qua đường hô hấp.
- Thường gặp ở trẻ trên 2 tuổi
- Virus khác
3. Chẩn đoán viêm não do virus
Chẩn đoán dựa vào:
- Yếu tố dịch tễ học
- Các triệu chứng và diễn biến lâm sàng
- Cận lâm sàng
- Loại trừ các bệnh có biểu hiện thần kinh nhưng không phải viêm não.
3.1. Dấu hiệu nhận biết
-Giai đoạn khởi phát
- Sốt: Sốt là triệu chứng phổ biến, xảy ra đột ngột, sốt liên tục 39 – 40 độ C nhưng cũng có khi sốt không cao.
- Nhức đầu, quấy khóc, kích thích, kém linh hoạt.
- Buồn nôn, nôn ói.
Có thể có các triệu chứng khác như:
- Tiêu chảy, phân không có nhày, máu.
- Ho, chảy nước mũi.
- Phát ban: Mẩn đỏ, bọng nước hoặc ban máu ở lòng bàn tay, bàn chân kèm loét miệng (hội chứng tay-chân-miệng, gặp ở viêm não do Enterovirus 71)
- Giai đoạn toàn phát:
Sau giai đoạn khởi phát, nhanh chóng xuất hiện các biểu hiện thần kinh:
- Rối loạn tri giác từ nhẹ đến nặng như ngủ gà, li bì, lơ mơ đến hôn mê.
- Thường có co giật
- Có thể có các dấu hiệu thần kinh khác: hội chứng màng não, các dấu hiệu thần kinh khu trú (liệt nửa người hoặc tứ chi), tăng hoặc giảm trương lực cơ…
- Có thể có suy hô hấp hoặc sốc
3.2. Các thể lâm sàng
– Thể tối cấp: Sốt cao liên tục, hôn mê sâu, suy hô hấp, trụy mạch và dẫn đến tử vong nhanh.
- Thể cấp tính: Diễn biến cấp với các biểu hiện lâm sàng nặng, điển hình.
- Thể nhẹ: Rối loạn tri giác mức độ nhẹ và phục hồi nhanh chóng.
3.3. Chẩn đoán phân biệt
Để chẩn đoán phân biệt với viêm não cấp do virus với các bệnh khác có biểu hiện tương tự như:
- Co giật do sốt cao;
- Viêm màng não mủ;
- Viêm màng não do lao;
- Ngộ độc cấp;
- Sốt rét thể não;
- Chảy máu não – màng não;
- Ðộng kinh;
- Hạ đường huyết;
- Rối loạn chuyển hoá, điện giải
4. Ðiều trị viêm não cấp do virus
– Viêm não do virus là một bệnh nặng, nguy cơ tử vong và di chứng cao, cần được điều trị sớm.
- Hiện tại chưa có điều trị đặc hiệu trừ viêm não do Herpes Simplex. Vì vậy, điều trị triệu chứng và điều trị hỗ trợ là chủ yếu.
4.1. Nguyên tắc điều trị:
- Hạ nhiệt
- Chống co giật
- Bảo đảm thông khí, chống suy hô hấp
- Chống phù não
- Ðiều chỉnh rối loạn nước, điện giải, đường huyết (nếu có)
- Bảo đảm tuần hoàn
- Ðảm bảo chăm sóc và dinh dưỡng
- Ðiều trị nguyên nhân
- Phục hồi chức năng sớm
- Hạ nhiệt độ: Cho trẻ uống đủ nước, nới rộng quần áo, tã lót và lau mát. Nếu sốt cao trên 38,5 độ C hạ nhiệt bằng Paracetamol 15mg/kg/lần, uống hoặc đặt hậu môn (có thể nhắc lại sau 6 giờ, ngày 4 lần nếu còn sốt cao). Chú ý cần tuân thủ theo chỉ định của các bác sĩ.
– Luôn bảo đảm thông đường hô hấp: Ðặt trẻ nằm ngửa, kê gối dưới vai, đầu ngửa ra sau và nghiêng về một bên, hút đờm rãi khi có hiện tượng tắc đường hô hấp do xuất tiết, ứ đọng.
- Nếu suy hô hấp: Thở ôxy, chỉ định đặt nội khí quản, bóp bóng hoặc thở máy.
+ Thở oxy:
Chỉ định: Co giật, suy hô hấp, độ bão hòa ôxy SaO2 < 92% (nếu đo được)
Phương pháp: Thở ôxy qua ống thông, mặt nạ với liều lượng 1- 3 lít/phút tùy theo lứa tuổi và mức độ suy hô hấp.
+ Ðặt nội khí quản và thở máy. Chỉ định: Ngưng thở hoặc có cơn ngừng thở, thất bại khi thở ôxy.
- Chống phù não: Chỉ định khi có các dấu hiệu của phù não như nhức đầu kèm theo dấu hiệu kích thích, vật vã hoặc li bì, hôn mê; phù gai thị; đồng tử không đều; liệt khu trú; gồng cứng; nhịp thở không đều, mạch chậm kèm theo huyết áp tăng.
Viêm não cấp ở trẻ em: Dấu hiệu nhận biết, nguyên nhân và những lưu ý – Ảnh 7.
Viêm não do virus là một bệnh nặng, nguy cơ tử vong và di chứng cao, cần được điều trị sớm.
4.2. Ðảm bảo dinh dưỡng và chăm sóc
– Dinh dưỡng cần được lưu ý cần cung cấp thức ăn dễ tiêu, năng lượng cao, đủ muối khoáng và vitamin. Năng lượng đảm bảo cung cấp 50-60Kcal/kg/ngày.
- Ðảm bảo cho trẻ bú mẹ. Trẻ không bú được phải chú ý vắt sữa mẹ và đổ từng thìa nhỏ hoặc ăn bằng ống thông dạ dày (chia làm nhiều bữa hoặc nhỏ giọt liên tục). Cần thận trọng vì dễ sặc và gây hội chứng trào ngược.
- Nếu trẻ không tự ăn được thì phải cho ăn qua ống thông mũi – dạ dày hay dinh dưỡng qua truyền tĩnh mạch. Có thể bổ sung vitamin C, vitamin nhóm B.
- Chăm sóc và theo dõi cần đặc biệt chú ý chăm sóc da, miệng, thường xuyên thay đổi tư thế để tránh tổn thương do đè ép gây loét và vỗ rung để tránh xẹp phổi và viêm phổi do ứ dịch.
- Hút đờm rãi thường xuyên.
- Chống táo bón
- Bí tiểu, căng bàng quang: Xoa bóp cầu bàng quang. Hạn chế thông tiểu vì có nguy cơ bội nhiễm.
- Thường xuyên theo dõi các dấu hiệu sinh tồn, mức độ tri giác; các dấu hiệu phù não, SaO2, điện giải đồ và đường huyết.
4.3. Phục hồi chức năng
Tiến hành sớm khi trẻ ổn định lâm sàng hoặc khi có di chứng. Phục hồi chức năng toàn diện tuỳ thuộc vào giai đoạn của bệnh: Nhiệt trị liệu, vận động trị liệu, điện trị liệu, dụng cụ chỉnh hình.
Để phòng bệnh viêm não cần phải cho trẻ đi tiêm phòng các loại vaccine
5. Phòng bệnh viêm não cấp
Để phòng bệnh cần phải cho trẻ đi tiêm phòng các loại vaccine hiện đã có như tiêm phòng viêm não Nhật Bản, phòng quai bị và thủy đậu. Ngoài ra, khi bị chó cắn cần phải đi tiêm phòng dại ngay theo hướng dẫn của trung tâm vệ sinh phòng dịch ở địa phương.
Cụ tiêm phòng viêm não Nhật Bản cho trẻ
+ Mũi 1: Bắt đầu tiêm.
+ Mũi 2: 7 ngày sau mũi 1.
+ Mũi 3: 1 năm sau mũi 2.
+ Tiêm nhắc lại sau 3 đến 4 năm.
Ngoài ra, cần tiêm chủng vaccine bại liệt, sởi, quai bị, thủy đậu cho trẻ theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Chế độ ăn cho bệnh nhân bị viêm não cần đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng
Thực hiện công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, giữ gìn vệ sinh cá nhân: Ăn chín, uống sôi, rửa tay trước và sau khi vệ sinh và trước khi ăn để phòng tác nhân gây bệnh đường tiêu hóa, không đưa trẻ ra ngoài trời nắng, vệ sinh môi trường xung quanh, tích cực diệt muỗi, nhà cửa sạch sẽ, ngăn nắp gọn gàng, thoáng đãng.
Các đồ vật có nước đọng phải thu gom, loại bỏ, khơi thông cống rãnh, hố nước đọng, phát quang bụi rậm. Không nên nuôi lợn, chim trong nhà. Không để trẻ em chơi gần chuồng gia súc. Cho trẻ nằm màn kể cả ban ngày để tránh muỗi đốt.
Trẻ em có những triệu chứng trên cần đưa đến cơ sở y tế gần nhất nhằm điều trị kịp thời tránh được tử vong và di chứng. Đó là những cách phòng ngừa tốt nhất mà chúng ta nên làm để tránh cho các cháu mắc phải căn bệnh hiểm nghèo này.
Theo: https://suckhoedoisong.vn/viem-nao-cap-o-tre-em-dau-hieu-nhan-biet-nguyen-nhan-va-nhung-luu-y-169211210180352314.htm