17 Nguyễn Chí Thanh, P. Tân An, Tp. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk.

0262 3 950 606 – 115

0262 3 950 606

Tăng huyết áp

  • Tổng quan
  • Tại sao lựa chọn Thiện Hạnh?

Tăng huyết áp (THA) là bệnh lý trong đo trị số huyết áp (HA) lúc nghỉ cao hơn mức bình thường. Bình thường số đo HA tâm thu dao động từ 90 đến 139 mmHg và HA tâm trương từ 60 đến 89 mmHg. THA tâm thu đơn thuần khi ≥ 140 mmHg, THA tâm trương đơn thuần khi ≥ 90 mmHg, hoặc tăng cả hai. Tăng huyết áp (cao huyết áp) là bệnh thường gặp, nếu không được điều trị đúng sẽ gây ra nhiều hậu quả nặng nề.

1. Tăng huyết áp có phổ biến không?

Tăng huyết áp (THA) đang trở thành vấn đề sức khỏe cộng đồng quan trọng ở Việt Nam, một phần là do chế độ ăn uống và lối sống thay đổi cùng với sự phát triển kinh tế của đất nước. Tỷ lệ mắc THA ở Việt Nam ngày càng tăng nên Bộ Y tế đã đưa THA vào chương trình phòng chống các bệnh không lây nhiễm.

Kết quả điều tra dịch tễ học quốc gia năm 2001-2008 ở người ≥ 25 tuổi cho thấy 25,1% bị THA, gần một nửa trong số họ không biết mình mắc bệnh; tỷ lệ được điều trị ở bệnh nhân THA là 62%, trong đó chỉ 38,3% THA được kiểm soát.

Năm 2018 và 2019, tỷ lệ bệnh nhân THA trong số người khảo sát lần lượt là 30,3% và 33,8%, và tỷ lệ không kiểm soát được huyết áp ở người có điều trị tăng tương ứng 46,6% và 48,8%.

Các yếu tố nguy cơ tim mạch quan trọng bao gồm tăng mỡ máu, đái tháo đường, thừa cân/béo phì, thói quen ăn nhiều muối và đồ ngọt, hút thuốc lá và uống rượu.

2. Tăng huyết áp có nguy hiểm không?

Tăng huyết áp không được điều trị đúng và đầy đủ sẽ có rất nhiều biến chứng nặng nề, có thể gây tử vong hoặc để lại các di chứng ảnh hưởng đến sức khỏe, sức lao động của người bệnh và trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Các biến chứng thường gặp của THA là:

– Tim mạch: Nhồi máu cơ tim, bệnh động mạch vành, suy tim.

– Biến chứng não: Tai biến mạch não (bao gồm xuất huyết não và nhũn não), bệnh não do THA.

– Biến chứng thận: tiểu đạm, suy thận.

– Biến chứng về mắt: Tiến triển theo các giai đoạn, có thể dẫn đến mù lòa.

– Biến chứng mạch máu: đặc biệt nguy hiểm là chứng phình tách thành động mạch chủ có thể gây tử vong.

Đa số người bệnh bị THA (trên 90%) thường không có dấu hiệu nào cảnh báo trước. Quan điểm trước đây cho rằng THA phải có đau đầu, mặt bừng đỏ, béo… là hết sức sai lầm. Nhiều khi, sự xuất hiện triệu chứng đau đầu đã có thể là sự kết thúc của người bệnh THA do tai biến mạch não. Vì vậy, việc kiểm tra huyết áp thường xuyên, nhất là những người có nguy cơ cao là hết sức cần thiết và quan trọng.

3. Nguyên nhân gây tăng huyết áp?

THA ở người lớn đại đa số là không có căn nguyên, chỉ một số nhỏ dưới 5% là THA có căn nguyên (tức là do hậu quả của một số bệnh lý khác). Vì thế, những dấu hiệu thể hiện bệnh THA không có gì khác biệt so với người bình thường. Do vậy, rất nhiều người bệnh cho đến khi bị các biến chứng của THA, thậm chí tử vong mới biết mình bị THA hoặc mới hiểu rõ việc khống chế tốt THA là quan trọng như thế nào.

4. Những ai cần phải tầm soát bệnh tăng huyết áp?

– Tuổi: tuổi càng cao tỷ lệ tăng HA càng cao : hơn 1/2 những người từ 60-69 tuổi và gần 3/4 những người lớn hơn 70 tuổi bị tăng HA.

– Di truyền: cha, mẹ bị tăng HA sẽ có con có khả năng dễ tăng HA hơn so với người khác.

– Giới tính: nam > 55 tuổi, nữ > 65 tuổi.

– Béo phì : Người có chỉ số khối lượng cơ thể (BMI) = 26 bị THA gấp 4 lần so với người có BMI = 21.

– Tiểu đường, hút thuốc lá.

– Ít vận động

– Thói quen ăn mặn.

– Stress : các áp lực bên ngoài như công việc, cuộc sống gia đình và từ bên trong bản thân như trạng thái lo âu, trầm cảm.

5. Chẩn đoán và phân độ tăng huyết áp

Tăng huyết áp được chẩn đoán bằng cách đo huyết áp bằng huyết áp kế.

– HA bình thường: HA tâm thu < 130 mmHg và HA tâm trương < 85 mmHg.

– HA bình thường cao (tiền tăng huyết áp): HA tâm thu 130 – 139 và/hoặc HA tâm trương 85 – 89 mmHg.

– Tăng huyết áp độ 1: HA tâm thu 140 – 159 mmHg và/hoặc HA tâm trương 90 – 99 mmHg.

– Tăng huyết áp độ 2: HA tâm thu ≥ 160 và/hoặc HA tâm trương ≥ 100 mmHg.

– Cơn tăng huyết áp: HA tâm thu ≥ 180 mmHg và/hoặc HA tâm trương ≥ 120 mmHg.

– Tăng huyết áp tâm thu đơn độc: HA tâm thu  ≥ 140 và HA tâm trương < 90 mmHg.

6. Nên làm gì khi bạn bị tăng huyết áp

– Giảm cân.

– Chế độ ăn nhiều trái cây, rau, sản phẩm sữa ít mỡ bão hòa, ít mỡ toàn phần.

– Giảm lượng muối ăn vào hàng ngày, không ăn quá 1 muỗng cà phê muối (< 6g NaCl) mỗi ngày, bao gồm cả lượng muối được nêm trong thức ăn và nước chấm.

– Vận động thể lực: tham gia vào các hoạt động thể lực vừa sức như đi bộ ít nhất 30 phút mỗi ngày và mọi ngày trong tuần.

– Hạn chế hay uống rượu bia vừa phải : ít hơn 80ml rượu mạnh, 600ml bia và 250ml rượu vang trong 1 ngày.

– Bỏ thuốc lá.

– Hạn chế căng thẳng, nghỉ ngơi thư giãn, giải trí. 

7. Khi nào cần dùng thuốc điều trị tăng huyết áp?

– Sau khi đã dùng các biện pháp không dùng thuốc từ 3-6 tháng như trên mà HA bạn vẫn chưa hạ về mục tiêu (HA < 140/90 mmHg).

– Nếu có đái tháo đường hay bệnh thận mãn thì cần dùng thuốc khi HA trên 130/80mmHg.

– Đo HA lần đầu > 180/110 mmHg.

Ngày nay có rất nhiều nhóm thuốc điều trị tăng HA, mỗi nhóm có cơ chế tác dụng khác nhau và thích hợp với từng người bệnh khác nhau (tuổi, bệnh kèm theo, tăng HA có gây tổn thương cơ quan đích nào chưa…). Vì vậy bệnh nhân nên đến bác sĩ chuyên khoa để được khám và cho thuốc thích hợp, để bệnh nhân được hưởng lợi nhiều nhất về bảo vệ tim mạch từ thuốc được cho.

Người bệnh cần điều trị lâu dài, liên tục nên cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa bác sĩ, bệnh nhân và gia đình trong quá trình điều trị. Do điều trị lâu dài nên người bệnh cần hiểu về bệnh, tuân thủ điều trị và tái khám đúng hẹn.

Cần theo chặt chẽ hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý bỏ thuốc hoặc thay đổi thuốc, nếu có triệu chứng gì lạ nên hỏi bác sĩ điều trị. Hiện nay có nhiều dạng thuốc kết hợp nhiều loại thuốc khác nhóm thành 1 viên, chỉ dùng ngày 1 lần, nên người bệnh tuân thủ điều trị dễ dàng hơn.Trong khi dùng thuốc thì vẫn phải thực hiện biện pháp không dùng thuốc.

– Tại Bệnh viện Thiện Hạnh có đầy đủ phương tiện hiện đại để chẩn đoán tăng huyết áp và các biến chứng ở các cơ quan do tăng huyết áp gây ra.

– Bệnh viện đa khoa Thiện Hạnh tự hào có đội ngũ y bác sĩ tận tâm, có chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm trong điều trị và kiểm soát các biến chứng của bệnh tăng huyết áp.

– Có đầy đủ các loại thuốc thế hệ mới nhất điều trị tăng huyết áp và các biến chứng.

– Tại Bệnh viện Thiện Hạnh có đầy đủ phương tiện hiện đại để chẩn đoán tăng huyết áp và các biến chứng ở các cơ quan do tăng huyết áp gây ra.

– Bệnh viện đa khoa Thiện Hạnh tự hào có đội ngũ y bác sĩ tận tâm, có chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm trong điều trị và kiểm soát các biến chứng của bệnh tăng huyết áp.

– Có đầy đủ các loại thuốc thế hệ mới nhất điều trị tăng huyết áp và các biến chứng.