Một nghiên cứu trên 130 bệnh nhân tại Hàn Quốc và Nhật Bản bị hẹp mạch máu não và hệ động mạch đốt sống đặt stent (ống thông mạch máu) điều trị nhồi máu não thành công trên 90%.
Sau nhiều năm nghiên cứu, tiếp cận với phương pháp can thiệp nội mạch để đặt stent ở các nước có nền y khoa hiện đại, bác sĩ Trần Chí Cường, Khoa DSA bệnh viện ĐH Y Dược Tp. Hồ Chí Minh cho biết, đây là giải pháp tối ưu nhất trên thế giới để “trị” tai biến mạch máu não (TBMMN) hay đột quỵ do nguyên nhân hẹp mạch máu lớn trong não.
Tại Tp. Hồ Chí Minh cứ mỗi năm có khoảng 18.000 bệnh nhân bị tai biến mạch máu não. Trong đó, có hàng ngàn người tử vong, số còn lại đa phần là mất sức lao động hoặc sống đời sống thực vật.
TBMMN gồm 2 loại chính: do tắc nghẽn mạch máu trong não gây nhồi máu não và vỡ mạch máu não gây xuất huyết não. Sự tắc nghẽn hay vỡ mạch máu trong não làm giảm đột ngột hoặc ngưng hoàn toàn việc cung cấp máu lên não, khiến cho các tế bào thần kinh bị tổn thương và chức năng họat động của các cơ quan này bị tê liệt trong một thời gian dài, gây ra các di chứng bại liệt, méo miệng, mất giọng …
TBMMN thường xảy ra ở người lớn tuổi, người bị tăng huyết áp, đái tháo đường và hút thuốc lá nhiều, béo phì là đối tượng có nguy cơ đột quỵ cao hơn. Tuy nhiên, TBMMN cũng có thể gặp ở trẻ em và người trẻ tuổi và nhóm bệnh nhân trẻ này thường gặp là xuất huyết não do vỡ các dị dạng mạch máu trong não.
Hẹp mạch máu não trên 70% trở lên không điều trị thì 40% sẽ bị TBMMN trong vòng 1 năm.
“Khi đã lâm vào căn bệnh này, nếu phương pháp điều trị bằng thuốc không hiệu quả hay hẹp các mạch máu lớn trong não thì hiện nay có thể được xem xét điều trị bằng can thiệp nội mạch đặt stent. Đây là phương pháp điều trị mới đã được nhiều nước trên thế giới thực hiện.
Sau khi đặt stent, mạch máu não được tái thông giúp ngăn ngừa hay giảm nguy cơ tai biến lặp lại và giúp bệnh nhân hồi phục được phần nào những tổn thương ở hệ thần kinh… mà nếu hẹp mạch máu lớn thì thuốc điều trị không thực hiện được” – Bác sĩ Cường cho biết.
Bệnh nhân Việt Nam đầu tiên được tiếp cận với phương pháp điều trị hiện đại này là chị Trần Thị M, 63 tuổi quê ở huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang.
Theo người nhà bà kể lại, trong khoảng 1 năm trước khi được đặt Stent, bà bị TBMMN đến bốn lần với yếu tay chân bên trái cho dù bà đã được điều trị theo dõi liên tục bằng thuốc tại nhiều bệnh viện. Sau đó bà lại bị yếu liệt nửa người nên được người thân đưa đến bệnh viện Đại học Y Dược Tp. Hồ Chí Minh thăm khám.
Tại đây, các bác sĩ đã chụp DSA và kết luận bà bị hẹp động mạch não giữa đoạn M1-M2 trên 70%. Các bác sỹ cho rằng không còn cách nào cứu chữa hiệu quả bằng phương pháp can thiệp nội mạch đặt stent. Sau khi được đặt Stent, sức khỏe của bà M. đã hồi phục. Các dấu hiệu yếu liệt tay chân dần dần hồi phục và tỉnh táo bình thường.
Các chuyên gia cho biết, đặt stent ở động mạch cảnh, sau 5 năm tỷ lệ tái hẹp chỉ có khoảng 5%; đặt ở mạch máu não thì tỷ lệ tái hẹp khoảng 10%.
Theo báo Tiền Phong