17 Nguyễn Chí Thanh, P. Tân An, Tp. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk.

0262 3 950 606 – 115

0262 3 950 606

Phòng tránh bệnh mùa hè cho trẻ

Vào mùa hè, thời tiết nắng nóng, đặc biệt là độ ẩm trong không khí tăng cao tạo điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, siêu vi… phát triển và dễ gây bệnh. Ở trẻ em, do sức đề kháng kém, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, nên có nguy cơ mắc các bệnh như: rôm sảy, tiêu chảy cấp, viêm phế quản cấp, thủy đậu… Do đó, phụ huynh cần quan tâm, chú ý và áp dụng các biện pháp phòng bệnh cho trẻ.

Rôm sảy

Rôm sảy là bệnh ngoài da hay gặp ở trẻ dưới 3 tuổi. Nguyên nhân chủ yếu là do bít tắc lỗ chân lông bởi các chất bẩn. Đặt biệt khi thời tiết nắng nóng, cơ thể tăng cường hoạt động của các tuyến mồ hôi và mọc rôm sảy, hình thành trên da các bọc nước nhỏ, đỏ và ngứa. Ngoài ra, việc không thay tã mới thường xuyên cũng có thể khiến trẻ bị rôm. Ngoài rôm sảy, mùa hè nóng ẩm là điều kiện tốt cho các loại nấm phát triển (nấm kẻ, nấm tóc…).

Để phòng ngừa rôm sảy, nên thay quần áo thường xuyên cho trẻ, lau mát để tránh mồ hôi ứ đọng trên da. Lưu ý cho trẻ mặc những loại quần áo thoáng mát, chất liệu vải thấm mồ hôi như sợi thiên nhiên hoặc cotton. Ngoài việc giữ gìn vệ sinh da cho trẻ, các bậc phụ huynh cần kiểm tra thường xuyên những vùng da kín như: bẹn, nách, cổ, kẻ ngón chân, tay… khi trẻ có biểu hiện ngứa để phát hiện và điều trị sớm.

Tiêu chảy cấp

Nguyên nhân gây tiêu chảy có thể là vi sinh vật gây bệnh như vi khuẩn (lỵ, thương hàn, tả…) hoặc vi rút, nấm, ký sinh trùng đường ruột. Cơ chế gây bệnh có thể do độc tố của vi khuẩn gây ra, triệu chứng thường xuất hiện sớm (dưới 6 giờ sau khi nhiễm bệnh), hoặc do vi khuẩn trực tiếp gây tổn thương hệ thống tiêu hóa, triệu chứng rối loạn tiêu hóa thường xuất hiện muộn hơn.

Tiêu chảy cấp có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng 80% xảy ra ở trẻ dưới 2 tuổi. Tiêu chảy cấp là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ vì cơ thể mất nước và các chất điện giải. Khi trẻ đi ngoài phân lỏng trên ba lần trong ngày là trẻ đã bị tiêu chảy.

Khi trẻ bị tiêu chảy, việc đầu tiên các bậc phụ huynh cần làm là cho trẻ uống nước oresol và tiếp tục cho trẻ bú mẹ (nếu trẻ đang trong thời kỳ bú mẹ). Nếu trẻ nôn nhiều, không thể uống được hoặc đi ngoài rất nhiều nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để điều trị thích hợp. Không được uống bất cứ loại thuốc nào nếu như không được bác sĩ chỉ định. Nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 4 đến 6 tháng đầu để trẻ hấp thu các kháng thể có trong sữa mẹ và cũng là cách phòng bệnh tiêu chảy hữu hiệu. Lưu ý tới việc chế biến, bảo quản thức ăn và nguồn nước uống phải được đảm bảo vệ sinh.

Sốt siêu vi

Trẻ thường biểu hiện sốt cao, đau mỏi người, có thể kèm triệu chứng của viêm đường hô hấp trên như: hắt hơi, sổ mũi, ho… Vào ngày thứ hai đến ngày thứ tư của bệnh, cơ thể trẻ thường xuất hiện các ban đỏ mịn. Bệnh diễn tiến lành tính trong vòng 7 ngày.

IMG-5537

Nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để điều trị hạ sốt khi trẻ sốt cao. Bù nước và các chất điện giải bằng đường uống, bảo đảm dinh dưỡng và chăm sóc mũi họng tốt để hạn chế bội nhiễm. Tuy nhiên phụ huynh cũng cần theo dõi trẻ thường xuyên, nếu phát hiện các triệu chứng của viêm não như: đau đầu, nôn nhiều, co giật, rối loạn ý thức… phải đưa ngay trẻ đến các cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.

Viêm phế quản cấp

Đây là một bệnh nhẹ nhưng hay mắc phải. Ho là triệu chứng chủ yếu thường gặp. Lúc đầu trẻ ho khan, sau ho từng cơn và thường ho vào ban đêm, kèm sốt nhẹ. Đa số bệnh khỏi sau một tuần. Bệnh có thể tái phát và có biến chứng như: viêm phế quản mạn, viêm phổi, viêm tai giữa…

Xử trí: Bù nước và các chất điện giải như cho trẻ uống oresol và các nước hoa quả. Nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để bác sỹ khám, theo dõi và điều trị nếu có biến chứng. Đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ bằng cách duy trì chế độ ăn nhiều vitamin, hoa quả, ăn tăng cường nếu trẻ trong thời kỳ ăn dặm. Khi trẻ bị viêm phế quản cấp vẫn phải bú mẹ. Nếu trẻ không tự bú được thì phải vắt sữa ra bình, cốc hoặc cho trẻ ăn sữa ngoài nếu mẹ không có sữa.

Bệnh thủy đậu

Bệnh thủy đậu do siêu vi trùng gây ra và rất dễ lây. Bệnh lây qua đường hô hấp, do siêu vi trùng có trong các chất tiết đường hô hấp hoặc trong chất dịch của mụn nước.

Bệnh thường đột ngột với triệu chứng nổi mụn nước ở vùng đầu mặt, chi và toàn thân. Lúc này trẻ thường sốt nhẹ, sau có thể sốt cao, biếng ăn, đau đầu, nôn ói… Bệnh thường xảy ra từ tháng giêng đến tháng sáu. Bệnh kéo dài 7- 10 ngày.

Xử trí: Hiện nay bệnh đã có thuốc điều trị đặc hiệu, nhưng cần phải điều trị sớm trong 2,3 ngày đầu. Điều quan trọng là vệ sinh thân thể để phòng ngừa biến chứng. Nếu các nốt mụn nước nhiễm trùng nặng sẽ để lại sẹo vĩnh viễn, biến chứng nặng hơn vi trùng có thể xâm nhập từ mụn nước vào máu gây nhiễm trùng huyết.

Để phòng bệnh, phụ huynh nên chích ngừa cho trẻ. Trẻ nên chích ngừa từ lúc 18 tháng tuổi.

Theo: http://yte.daklak.gov.vn/ASPX/TinTuc_ChiTiet.aspx?iDV=1&id=85918

TIN TỨC NỔI BẬT