17 Nguyễn Chí Thanh, P. Tân An, Tp. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk.

Khám thai định kỳ không nên xem nhẹ

Một người mẹ khỏe mạnh, dinh dưỡng hợp lý, tiêm phòng đầy đủ, được chăm sóc tốt thì thai nhi trong bụng cũng phát triển tốt. Bà mẹ có sức khỏe tốt còn đảm bảo thuận lợi cho sinh đẻ, nuôi con bằng sữa mẹ và chăm sóc con sau này.

Khi mang thai, ngoài việc ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, có chế độ nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý, luyện tập thể thao phù hợp thì việc khám thai định kỳ cũng hết sức quan trọng đối với thai phụ và em bé. Trong khi mang thai, cơ thể người phụ nữ trải qua những biến đổi về giải phẫu, tâm lý, nội tiết để thích nghi với thời kỳ mang thai. Việc khám thai định kỳ nhằm theo dõi tình trạng sức khỏe của mẹ và thai nhi, phát hiện sớm những bệnh lý có thể ảnh hưởng đến cả mẹ và bé, đảm bảo cho đứa con được sinh ra lành lặn, phát triển đầy đủ cả về thể chất và tinh thần.

Tuy nhiên, ngày nay vẫn còn nhiều người quan niệm rằng đi khám thai bác sĩ sẽ bắt siêu âm gây ảnh hưởng không tốt cho thai nhi. Trường hợp của chị Phạm Thị Hằng tạm trú tại phường Tự An (TP. Buôn Ma Thuột) là ví dụ. Chị Hằng mang thai đứa con đầu lòng, mẹ chồng chị ở quê điện thoại vào dặn đi dặn lại rằng không được đi siêu âm vì cái máy đó gây ảnh hưởng không tốt cho thai nhi, song không tốt như thế nào thì mẹ chồng chị không nói. Đến khi chị cảm thấy hay bị hoa mắt, chóng mặt, gần hai ngày liền bụng lại lâm râm đau, đi khám mới biết chị bị thiếu máu trong thời kỳ mang thai. Do chế độ ăn uống chưa cung cấp đủ chất sắt mà chị Hằng lại không biết để bổ sung viên sắt hằng ngày trong thời gian mang thai; thiếu máu gây ra triệu chứng hoa mắt, chóng mặt và nguy hiểm hơn là nguy cơ bị động thai. May mắn là vợ chồng chị đã đi khám kịp thời.

Cũng có trường hợp người mẹ thấy cơ thể mình khỏe mạnh, ăn ngủ tốt nên bỏ qua việc khám thai định kỳ. Bên cạnh đó, nhiều chị em, nhất là những người sống tại vùng sâu vùng xa, đường sá đi lại khó khăn, hiểu biết về chăm sóc sức khỏe sinh sản còn hạn chế cho rằng sinh đẻ là việc bình thường nên không quan tâm đến việc khám thai định kỳ. Chẳng hạn chị Lý Thị Tuyết, xã Cư Bông (huyện Ea Kar) cho biết: cả 2 lần mang thai đều không đến cơ sở y tế khám thai. Đến tháng không thấy mình có kinh là chị biết mình mang thai, hằng ngày chị vẫn cùng với chồng lên nương rẫy làm việc bình thường cho đến lúc sinh. Khi có biểu hiện của việc chuyển dạ chị cũng gọi bà đỡ tới nhà. Thật may là cả 2 đứa đứa con sinh ra đều lành lặn, khỏe mạnh, song do thiếu kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản và chăm sóc trẻ sơ sinh nên 2 đứa con của chị đều bị suy dinh dưỡng thể thấp còi và nhẹ cân.

Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Quang Hùng, Trưởng Khoa phụ sản, Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh cho biết: Trong thời kỳ mang thai, thai phụ nên đi khám thai ít nhất 6 lần. Đây là lịch khám thai cho những thai phụ bình thường. Còn đối với thai phụ có bệnh lý thì có thể khám thai nhiều hơn theo chỉ định của bác sĩ. Cụ thể:

Trong 3 ba tháng đầu, có thể khám thai một lần. Lần này, thai phụ chỉ cần siêu âm đen trắng để kiểm tra chính xác xem có thai hay không? Thai đã về tử cung hay chưa? Mấy thai? Nếu có bất thường gì, bác sĩ sẽ tư vấn cách can thiệp sớm để không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của thai phụ và em bé.

Trong 3 tháng giữa: Thai phụ nên đi khám thai 2 lần. Lần một khi thai được 12 tuần tuổi, bác sĩ sẽ cho thai phụ siêu âm màu để kiểm tra độ mờ da gáy nhằm tầm soát bệnh down ở thai nhi. Sau lần khám này, bác sĩ sẽ có lịch hẹn khám thai tiếp theo đối với thai phụ. Ở lần khám thứ 3, thai phụ sẽ được siêu âm 3D hoặc 4D nhằm quan sát hình dạng của thai nhi, sự phát triển của thai nhi; theo dõi sự tăng cân của thai phụ nhằm phát hiện chế độ dinh dưỡng đối với thai nhi để từ đó tư vấn chế độ dinh dưỡng hoặc chế độ chăm sóc đặc biệt cho bà mẹ

Trong 3 tháng cuối, mỗi tháng thai phụ nên đi khám thai một lần nhằm kiểm tra bánh nhau, nước ối, chỉ số tuần hoàn máu lưu thông giữa mẹ và thai nhi.

Theo bác sĩ Hùng, khám thai định kỳ là việc làm hết sức quan trọng nhằm phát hiện thai nhi có phát triển bình thường hay không, biết được sớm các nguy cơ để xử trí kịp thời, phát hiện sớm các bệnh lây nhiễm, các dấu hiệu nguy hiểm khi mang thai. Qua khám thai, bác sĩ sẽ tư vấn chế độ dinh dưỡng cho thai phụ, hướng dẫn bổ sung sắt, vi chất dinh dưỡng cho mẹ và thai nhi, chăm sóc trẻ sơ sinh; đồng thời dự kiến ngày sinh nhằm kịp thời chuẩn bị mọi mặt để đón em bé chào đời.

TIN TỨC NỔI BẬT