Co giật ở trẻ sơ sinh thường kín đáo, có thể chỉ là cử động bất thường nhẹ ở cơ mặt, run giật nhẹ ở chi. Co giật sơ sinh biểu hiện rất đa dạng, đôi khi dễ bị bỏ sót. Đây là triệu chứng của của nhiều bệnh, ngoài việc chống co giật, còn phải điều trị nguyên nhân.
1. Co giật ở trẻ sơ sinh do đâu?
Co giật sơ sinh biểu hiện rất đa dạng, đôi khi kín đáo và dễ bị bỏ sót. Co giật ở trẻ sơ sinh được hiểu là cử động bất thường hoặc thay đổi trương lực cơ của thân và chi: Co giật toàn thân hoặc khu trú, gồng cứng kiểu mất vỏ hay mất não hoặc giảm trương lực cơ toàn thân.
– Cử động bất thường ở mặt, miệng, lưỡi: Chu miệng, nhai…
– Cử động bất thường ở mắt: Nhìn một chỗ, giật nhãn cầu kiểu nystamus…
– Hệ thần kinh thực vật: Cơn ngưng thở, thở kiểu tăng thông khí, thay đổi nhịp tim, huyết áp, phản xạ đồng tử.
Co giật ở trẻ sơ sinh có nhiều nguyên nhân, trong đó có thể do các nhóm nguyên nhân rối loạn chuyển hóa – Hạ đường máu (hạ canxi máu hạ, magie máu); hạ Natri máu; tăng Natri máu; tăng Bilirubine máu (vàng da nhân). Ngoài ra, có thể do nhóm nguyên nhân nhiễm trùng – Nhiễm trùng huyết (viêm màng não, tổn thương não do thiếu máu cục bộ, xuất huyết não – màng não). Hoặc mẹ dùng thuốc chống trầm cảm, ở một số trẻ bị ngạt sau sinh, hội chứng suy hô hấp (màng trong, tràn khí màng phổi)… cũng có thể bị co giật. Các nhà nghiên cứu cho biết có khoảng 10% không rõ nguyên nhân gây co giật ở trẻ sơ sinh.
Co giật sơ sinh biểu hiện rất đa dạng, đôi khi dễ bị bỏ sót
2. Co giật ở trẻ sơ sinh – Cần phát hiện sớm
Do là ở trẻ sơ sinh nên cha mẹ cần chú ý phát hiện khi trẻ có một hoặc nhiều biểu hiện như: Giật nhẹ cơ mặt, má, môi, run giật các ngón chân, tay… Cơn giật xảy ra tự nhiên hoặc có kích thích. Trương lực cơ tăng hoặc giảm, trường hợp tăng mạnh cơn co cứng sẽ có dấu hiệu cứng hàm… Thời gian kéo dài mỗi cơn giật là bao nhiêu giây. Tần số xuất hiện co giật thưa hay liên tục.
Ngoài ra, trẻ có các triệu chứng kèm theo như:
- Dấu hiệu suy hô hấp: Khó thở, tím tái, ngừng thở, thóp phồng.
- Dấu hiệu thiếu máu, tổn thương thần kinh khu trú, liệt dây thần kinh sọ não, chi.
- Vòng đầu to, nhỏ bất thường.
- Sốt, biểu hiện nhiễm trùng.
Tuy nhiên, trên thực tế tình trạng này ở nhiều trẻ sơ sinh cha mẹ không phát hiện được và có thể nhầm vì nghĩ trẻ bị giật mình. Chính vì vậy, nếu xác định trẻ có co giật thật sự thì phải đưa trẻ đến khám tại cơ sở y tế để xét nghiệm máu, siêu âm não và đo điện não đồ, vì có thể có nguyên nhân là hạ canxi huyết, hạ magne huyết, hạ natri huyết, động kinh, viêm màng não mũ, xuất huyết não, nhiễm khuẩn huyết…
Co giật ở trẻ sơ sinh có nhiều nguyên nhân, trong đó có thể do các nhóm nguyên nhân rối loạn chuyển hóa
3. Chẩn đoán và điều trị co giật ở trẻ sơ sinh
Khác với trẻ lớn, co giật trẻ sơ sinh thường có nguyên nhân rõ ràng, do đó tìm và điều trị các nguyên nhân là rất quan trọng khi xử trí co giật ở trẻ sơ sinh. Sau khi khám lâm sàng để phát hiện co giật thực sự không như: Co giật toàn thân hay khu trú. Cơn ngưng thở. Tìm bướu huyết thanh hoặc bướu huyết xương sọ. Sờ thóp tìm dấu hiệu thóp phồng. Tìm dấu hiệu thiếu máu: Màu sắc da, niêm mạc. Dị tật bẩm sinh não… nhằm phân biệt co giật với run chi lành tính (run chi lành tính không ảnh hưởng mắt, tần số run nhanh hơn co giật, thường khởi phát từ kích thích bên ngoài và chấm dứt khi kìm giữ nhẹ chi…).
Các chỉ định xét nghiệm thường được chỉ định như: Test đường mao mạch để xem có bị rối loạn điện giải hạ Na, hạ Ca, hạ Mg máu hay không. Siêu âm não qua thóp để kiểm tra có tình trạng xuất huyết não, hình ảnh tổn thương não do thiếu oxy do đẻ ngạt hay không. Từ đó mới đưa ra liệu trình điều trị cho phù hơp. Nguyên tắc điều trị là thông đường thở, hỗ trợ hô hấp, điều trị đặc hiệu theo nguyên nhân.
Co giật thường xảy ra ở trẻ dưới 3 tuổi và không phân biệt giới tính
Tóm lại: Co giật là một rối loạn thần kinh thường gặp ở trẻ em, tần suất 3 – 5%. Là cấp cứu thần kinh thường gặp ở trẻ em, do nhiều nguyên nhân và có ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương, có thể gây thiếu oxy não, tử vong. Co giật thường xảy ra ở trẻ dưới 3 tuổi và không phân biệt giới tính. Khi co giật xảy ra sẽ làm cho bố mẹ và gia đình trẻ rất lo lắng. Vì vậy, nếu phát hiện ra tình trạng co giật ở trẻ việc gọi điện cho cán bộ y tế để được trợ giúp là rất cần thiết và cần đưa ngay trẻ tới cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn cụ thể.
Theo: https://suckhoedoisong.vn/co-giat-o-tre-so-sinh-dau-hieu-benh-gi-169220208173643831.htm