17 Nguyễn Chí Thanh, P. Tân An, Tp. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk.

0262 3 950 606 – 115

0262 3 950 606

Bệnh trĩ

1. Khái niệm:

Bệnh Trĩ, hay còn gọi là bệnh lòi dom theo dân gian, là bệnh được tạo thành do dãn quá mức các đám rối tĩnh mạch trĩ (hay sự phình tĩnh mạch) ở mô xung quanh hậu môn. Là bệnh rất phổ biến, đứng hàng đầu trong các bệnh lý vùng hậu môn đến nhập viện. Bệnh nhân mắc bệnh trĩ thường đi khám và điều trị rất muộn sau nhiều năm, vì bệnh tuy có ảnh hưởng tới cuộc sống nhưng không nặng nề nên bệnh nhân thường bỏ qua và vì bệnh ở vùng kín đáo nên bệnh nhân thường ngại ngùng nhất là phụ nữ. Chỉ đến khi chảy máu nhiều hoặc bị sa búi trĩ thì bệnh đã ở cấp độ nặng, không thể dùng thuốc mà phải chỉ định phẫu thuật.

2. Dấu hiệu của bệnh:

Bệnh trĩ là bệnh do sự căng dãn quá mức tại các tĩnh mạch ở trực tràng – hậu môn gây viêm sưng hoặc xuất huyết. Người mắc bệnh trĩ mới đầu chỉ có cảm giác ngứa rát đôi chút, lâu dần sẽ đi ngoài ra máu và đau rát nhiều hơn. Bệnh trĩ ngoại thường sớm được phát hiện và điều trị nhanh hơn, do người bệnh có thể sờ thấy khi trĩ ở mức độ nhẹ. Với bệnh trĩ nội, thường người bệnh chỉ nhận biết được khi bệnh đã ở giai đoạn nặng, búi trĩ sa hẳn bên ngoài hậu môn hoặc bị tổn thương dẫn đến xuất huyết nặng, viêm sưng, nhiễm trùng búi trĩ.

3. Nguyên nhân:

Bệnh trĩ thường xảy ra ở người bị táo bón kinh niên, công việc ít đi lại và ngồi thường xuyên hay những người làm công việc nặng phải gắng sức thường xuyên, ở phụ nữ mang thai. Còn trĩ triệu chứng là hậu quả của tăng áp lực trong mạch máu vùng chậu từ các bệnh khác như xơ gan, ung bướu vùng chậu.

4. Phân loại:

Bệnh trĩ được chia làm 2 loại: Trĩ nội và trĩ ngoại. Bệnh trĩ là sự phồng lớn của một hay nhiều tĩnh mạch thuộc hệ thống tĩnh mạch trĩ trên hoặc tĩnh mạch trĩ dưới hay cả hai gây nên trĩ nội, trĩ ngoại hay trĩ hỗn hợp. Bệnh có thể  gặp ở mọi lứa tuổi, kể cả trẻ em. Thực ra, trĩ nội và trĩ ngoại chỉ khác nhau về vị trí phát sinh búi trĩ. Với việc phân biệt hai loại trĩ này sẽ giúp ích cho quá trình thăm khám và điều trị căn bệnh này.

4.1 Trĩ ngoại:

Nếu các xoang tĩnh mạch trĩ dưới (trực tràng dưới) phồng to, trĩ được hình thành ở dưới đường lược được gọi là trĩ ngoại.

4.2 Trĩ nội:

Nếu các xoang tĩnh mạch trĩ trên (trực tràng trên) phồng to, trĩ được hình thành ở trên đường lược được gọi là trĩ nội.

Trĩ nội thường được chia làm 4 cấp độ:

4.2.1 Cấp độ 1:

Ở giai đoạn đầu, búi trĩ mềm, khá nhỏ có màu tía hoặc màu đỏ tươi, khi đi đại tiện búi trĩ chưa sa ra ngoài hậu môn. Đi đại tiện ra máu hoặc chảy máu sau đó, máu chảy thành từng giọt hoặc thành tia, màu đỏ tươi, không lẫn với phân và xảy ra liên tục.

4.2.2 Cấp độ 2:

Búi trĩ tương đối to, lồi lên làm búi trĩ sa ra ngoài hậu môn khi rặn mạnh nhưng sau khi đại tiện có thể tự động thu vào trong hậu môn. Tình trạng chảy máu giảm hơn so với giai đoạn đầu.

4.2.3 Cấp độ 3:

Búi trĩ rất to, có màu xám, cứng, búi trĩ lòi ra ngoài hậu môn khi đi đại tiện, thậm chí khi chạy, hắt hơi, ho hoặc đứng lâu cũng làm búi trĩ sa ra ngoài, không thể tự động  co vào trong hậu môn, phải dùng tay đẩy thì búi trĩ  mới vào trong hậu môn được hoặc khi cơ thể ở tư thế nằm thẳng, máu chảy ít khi đại tiện hoặc không chảy máu.

4.2.4 Cấp độ 4:

Búi trĩ thường xuyên ở ngoài hậu môn, nếu dùng tay đẩy vào thì búi trĩ vẫn tự động lòi ra ngoài lại.

4.3 Trĩ hỗn hợp:

Trĩ hỗn hợp tức là trên cùng một bệnh nhân xuất hiện cả trĩ nội và trĩ ngoại. Thông thường, khi diễn tiến lâu ngày, phần trĩ nội và phần trĩ ngoại sẽ liên kết với nhau, tạo thành trĩ hỗn hợp. Búi trĩ nội, khi đã sa tới độ 3, thường hiện diện dưới hình thái trĩ hỗn hợp.

 

5. Các biến chứng:

5.1 Chảy máu:

Là biến chứng hay gặp nhất. và cũng thường là dấu hiệu đầu tiên mà người bệnh đi khám. Khi đi đại tiện thấy chảy máu dính phân, nhỏ giọt hay thành tia. nếu chảy máu kéo dài sẽ gây thiếu máu toàn thân.

5.2 Tắc mạch:

Là khi có các cục máu đông được hình thành trong các búi trĩ. Gây đau khi đại tiện hay khi sờ vào, thường gặp ở trĩ ngoại nhiều hơn.

5.2.1 Trĩ nội:

Đau nhiều, có cảm giác như có vật lạ nằm trong ống hậu môn. Thăm trực tràng, sờ thấy một cục tròn, nhỏ, cứng và rất đau. Soi hậu môn thấy những cục nổi lên, màu tím.

5.2.2 Trĩ ngoại:

Đau nhiều hơn trĩ nội thuyên tắc. Nhìn thấy một khối sưng phồng lên, màu xanh tái làm mất nếp nhăn da ở hậu môn. Sờ vào rất đau. Nếu được rạch sẽ thấy cục máu đông nhỏ bật ra và bệnh nhân thấy đỡ đau ngay. Nếu không được rạch, cục máu đông sẽ tiêu dần và vài ba tuần sau hình thành một mẩu da thừa hoặc cục máu đông bị hoại tử làm loét da gây chảy máu rỉ rả kéo dài.

5.3 Sa nghẹt:

Là khi các búi trĩ nội khi lòi ra ngoài hậu môn, thường bị thắt bởi các cơ vòng, ngăn cản sự lưu thông của tĩnh mạch, trong khi động mạch vẫn không ngừng đưa máu vào sẽ khiến các búi trĩ cứng hơn, gây đau nhức và rất khó trở lại bên trong hậu môn.

Khi các bũi trĩ thoát ra ngoài và không thu vào bên trong được thì được gọi là nghẹt búi trĩ. Các búi trĩ sau khi bị nghẹt sẽ rất dễ bị hoại tử, nếu nghiêm trọng có thế gây ra nhiễm trùng máu. Ngoài ra nghẹt búi trĩ còn gây ra nhiều cấp độ viêm nhiễm khác nhau.

6. Điều trị:

Việc điều trị trĩ có triệu chứng phải được cân nhắc trên từng bệnh nhân cụ thể. Mục tiêu điều trị là làm mất đi các triệu chứng của bệnh mà không để lại các biến chứng. Nói cách khác, nguyên tắc điều trị bao gồm những điểm sau đây:

– Chỉ điều trị trĩ bệnh lý.

– Khi có ảnh hưởng đến sinh, lao động.

– Chỉ phẫu thuật khi điều trị nội và làm thủ thuật thất bại hay có biến chứng.

– Không được gây tử vong và biến chứng nặng nề.

6.1 Nội khoa:

6.1.1 Chế độ ăn uống sinh hoạt:

Ăn nhiều rau quả, uống nhiều nước, vận động thường xuyên, tập đi tiêu mỗi ngày, đúng giờ, thoải mái; tránh đi tiêu bón, khó, tiêu chảy, kiết lỵ phải rặn nhiều và ngồi lâu.  Sử dụng các chế phẩm chất xơ qua đường uống

6.1.2 Y học cổ truyền:

Từ ngàn đời nay, đông y đã có nhiều phương pháp giúp điều trị trĩ và táo bón hiệu quả:

Ngư tinh thảo (rau diếp cá, rau dấp cá) có thành phần chính là Quercetin, một flavonoid có tác dụng bảo vệ thành mạch rất mạnh. Tinh dầu Diếp cá có chứa decanonyl acetaldehyde có tác dụng kháng sinh mạnh, tiêu diệt cả trực khuẩn mủ xanh, do đó chống viêm nhiễm rất hiệu quả. Cao diếp cá có tác dụng nhuận tràng, chống táo bón rất tốt.

Đương quy là một vị thuốc quý, có tác dụng bổ máu, điều kinh, chống thiếu máu, suy nhược cơ thể. Đương quy có tác dụng hoạt huyết giảm đau, giúp chữa viêm loét, mụn nhọt. Ngoài ra, Đương quy còn có tác dụng nhuận tràng thông đại tiện, chống táo bón.

Rutin là một flavonoid aglycon có nhiều trong hoa Hòe. Rutin có hoạt tính vitamin P, có tác dụng làm bền thành mạch, làm giảm tính “dòn” và tính thấm của mao mạch, làm tăng sự bền vững của hồng cầu, giảm trương lực cơ trơn, chống co thắt. Ngoài ra, rutin còn có tác dụng kích thích sự bài tiết của niêm mạc ruột và do vậy giúp nhuận tràng. Rutin được dùng để phòng ngừa những biến chứng của bệnh xơ vữa động mạch, điều trị suy tĩnh mạch, giãn tĩnh mạch, trĩ, các trường hợp xuất huyết như chảy máu cam, ho ra máu, tử cung xuất huyết, phân có máu….

Curcumin là một hoạt chất chính của củ nghệ (Curcuma domestica), có hoạt tính chống viêm do khả năng quét những gốc oxy có liên quan đến quá trình viêm. Curcumin còn có tác dụng ức chế khối u, thông mật, lợi tiêu hóa. Bổ sung Curcumin giúp chống viêm và làm mau lành các vết tổn thương của trĩ.

Magiê có tác dụng nhuận tràng, giúp hạn chế chứng táo bón vốn là căn nguyên gây bệnh trĩ. Ngoài ra, Magiê còn là một khoáng chất rất cần thiết cho cơ thể.

Người bệnh có thể chọn thuốc trị bệnh trĩ từ các bài thuốc đông dược đã được bào chế thành các dạng thuốc viên rất tiện lợi, sản xuất bởi những tập đoàn Đông y dược đã được cấp phép sản xuất và có kiểm nghiệm rõ ràng. Thích hợp để tự điều trị bệnh trĩ khi bệnh ở mức nhẹ, có hiệu quả điều trị khá cao, an toàn và không lo tác dụng phụ. Ngoài ra, cần tránh các chất kích thích như cà phê, rượu, trà, ớt, tiêu. Ăn đủ chất xơ, uống nhiều nước và thường xuyên tập thể dục, thể thao như bơi lội, đi bộ,…

Về nguyên lý, Đông y chữa từ nguyên nhân gây bệnh đây là một trong những ưu điểm của Đông y so với Tây y (y học hiện đại).

6.1.3  Y học hiện đai:

Dùng thuốc để trị bón, kiết lỵ Có rất nhiều thứ thuốc bôi ngoài để giảm các triệu chứng, các thuốc bôi ngoài thường dùng các chất bôi trơn, các chất làm mềm và làm dịu da, có thể kết hợp trong đó một thuốc tê để giảm đau. Khi không có nhiễm khuẩn có thể kết hợp với corticoide, các chất kết hợp này chỉ có tác dụng ngắn hạn. Một số chất khác hay được kết hợp do tính chất làm dịu như: một số muối bismuth, kẽm oxid, resorcinol, Các Bioflavonoid cũng được kết hợp trong các thuốc bôi ngoài, hoặc chất này còn được dùng theo đường uống, và cùng với một số chất khác như calcidobesilat, tribennosid được dùng do tính chất bảo vệ thành tĩnh mạch.

6.2 Ngoại khoa:

6.2.1 Thủ thuật:

Các phương pháp:

– Rạch lấy cục máu đông trong trĩ tắc mạch.

– Chích xơ búi trĩ.

– Thắt búi trĩ bằng dây thun.

– Huỷ búi trĩ bằng đốt nhiệt, đốt điện (bipolar), đốt lạnh (cryosurgery), đốt bằng sóng cao tần, đốt bằng tia hồng ngoại.

– Thắt động mạch chính của búi trĩ.

– Nong ống hậu môn (phương pháp Lord).

Chích xơ (Sclerosing injection):

– Nguyên tắc là chích dung dịch hoá học gây xơ ví dụ Phenol 5% trong dầu thực vật, hay Polidocalol vào lớp dưới niêm mạc vào mô đệm lỏng lẻo phía trên búi trĩ, thuốc sẽ gây viêm, xơ hóa và lành sẹo.

– Kỹ thuật: Soi hậu môn, lấy 2ml dung dịch gây xơ chích phía trên đường lược ngay gốc búi trĩ nội vào lớp dưới niêm mạc. tưởng là dễ thực hiện nhưng dễ sai sót vì khó chích đúng lớp dưới niêm mạc, nếu chích sâu hơn thường gây ra các biến chứng.

– Biến chứng: Loét, áp-xe, viêm tiền liệt tuyến và dị ứng với thuốc. Ngày nay có rất nhiều cơ sở thực hiện thủ thuật này nhưng làm không đúng kỹ thuật nên gây ra khá nhiều biến chứng.

– Chỉ định: Trĩ nội độ 1 và 2.

Cột bằng dây cao su (Rubber band ligation):

– Nguyên tắc: Dây thun thắt vào gốc búi trĩ ngay vùng niêm mạc sẽ gây thiếu máu, hoại tử  và hóa xơ trong vài ngày.

– Kỹ thuật: Soi hậu môn kẹp búi trĩ và cột dây thun bằng dụng cụ cột (ligator) ngay gốc búi trĩ ở vùng niêm mạc. Nên cột mỗi lần một búi. Và sau   2 – 4 tuần sẽ làm tiếp.

– Biến chứng: Đau nếu cột không đúng kỹ thuật – khi cột phía dưới đường lược. Ngoài ra, nhiễm trùng và chảy máu cũng có thể xảy ra. Chảy máu thường xảy ra vào ngày thứ 7 đến ngày thứ 10.

– Chỉ định: Trĩ nội độ 2 và 3.

Làm đông lạnh (Cryosurgery)

– Nguyên tắc: Gây đông lạnh, sóng cao tần hay tia hồng ngoại làm hoại tử búi trĩ.

– Kỹ thuật: Soi hậu môn, đưa cryoprobe giữ lấy búi trĩ, mở máy phát ra nhiệt độ lạnh bằng COhoặc N2O tới – 60 0 – 150 C ( sóng cao tần hay tia hồng ngoại) trong vòng 10 – 15 phút. Có thể làm tất cả các búi trĩ trong một lần.

– Biến chứng:  Bất tiện chính là chảy dịch ở hậu môn sau thủ thuật 3 giờ và có thể kéo dài 4 – 6 tuần lễ. Kế đó là biến chứng chảy máu, với xuất độ 3%. Ngoài ra kết quả tốt chỉ đạt từ 45% – 88%. Theo Goligher, thì tỷ lệ này là 70%.

– Chỉ định: Trĩ nội độ 1 và 2.

Khâu mạch máu chính của búi trĩ: (Cryosurgery)

Nguyên lý là khâu tắt các mạch máu dẫn đến búi trĩ làm cho búi trĩ không được cung cấp máu sẽ co nhỏ lại. Có rất nhiều cách khâu, khâu mò theo kinh nghiệm ở các vị trí giải phẫu thường là vị trí 5 giờ, 7 giờ và 11 giờ. Khâu từ chân búi trĩ khi soi ống hậu môn và hiện đại nhất là khâu dưới sự hướng dẫn của siêu âm dò tìm mạch máu.

6.2.2 Phẫu thuật:

Cắt búi trĩ kinh điển: (Operation surgery):

Là phương pháp đã được thực hiện từ rất lâu, có khá nhiều phương pháp của nhiều tác giả khác nhau, mỗi phương pháp có ưu khuyết điểm khác nhau và không có phương pháp nào vượt trội hẳn.Trong quá trình phát triển của y học, lúc đầu người ta dùng cao dao kim loại, để hạn chế chảy máu người ta dùng dao điện, rồi để hạn chế bỏng mô vết mổ người ta dùng dao laser, và hiện đại nhất để không bị tổn thương mô vết mổ người ta dùng dao siêu âm. Nhưng nguyên lý chung tất cà đều là cắt bỏ búi trĩ.

Cắt búi trĩ:

– Phương pháp khâu kín như: Ferguson, St Mark.

– Phương pháp để hở như: Miligan và Morgan.

Cắt trĩ vòng:

Phương pháp cắt trĩ vòng theo Whiteheat hay Buie.

Phương pháp treo hậu môn của Longo (Longo’s anopexy)

Đây là phương pháp mới, được Longo báo cáo lần đầu vào năm 1995.  Đến  nay đã có hàng trăm ngàn ca trên khắp thế giới được thực hiện bằng phương pháp Longo. Nguyên tắc: cắt vòng niêm mạc trực tràng và nối qua hậu môn bằng dụng cụ 33 mm stapler. Chỉ định: trĩ nội độ 3 và 4 không có thuyên tắc, không có vết nứt.

Đây được xem như một bước đột phá trong phương pháp điều trị trĩ. Phương pháp này được cho là gần với sinh lý nhất, nó vừa khâu triệt tất cả các mạch máu đến búi trĩ vừa cắt một khoanh niêm mạc trực tràng  4cm nhằm treo búi trĩ lên, đồng thời không có vết mổ tại ống hậu môn nên không gây đau và không bị các biến chứng như sẹo gây hẹp ống hậu môn về sau.

Sưu tầm: Ths.Bs Phạm Hòa Anh – Khoa Ngoại Bệnh viện đa khoa Thiện Hạnh

TIN TỨC NỔI BẬT