Khi được chỉ định mổ, hầu hết người bệnh thường tìm đến các bác sĩ phẫu thuật có “bàn tay vàng” và nhiều kinh nghiệm để trao gởi sự sống. Thế nhưng, ít ai biết rằng đằng sau những ca mổ thành công luôn có sự đóng góp không nhỏ của bác sĩ gây mê hồi sức. Dẫu chẳng mấy khi được bệnh nhân nhớ đến nhưng họ vẫn âm thầm cống hiến để giành lại sự sống cho người bệnh…
Bước chân vào khoa Phẫu thuật – Gây mê hồi sức, Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh, điểm khác biệt đầu tiên với những khoa phòng khác mà ai cũng dễ dàng nhận thấy là các y bác sĩ ở đây không mặc áo blouse trắng và thay vào đó là những bộ đồ màu xanh, đội mũ xanh và đeo khẩu trang y tế. Có lẽ, vì là khoa đặc thù của bệnh viện nên nơi đây không có bóng dáng của người thăm nuôi bệnh mà chỉ có đội ngũ thầy thuốc làm việc đều đặn, hy sinh giấc ngủ của mình vì giấc ngủ của bệnh nhân. Gặp gỡ bác sĩ CKI Võ Hoàng Giáp, Phó trưởng khoa Phẫu thuật – Gây mê hồi sức trong phòng giao ban của khoa, được nghe anh kể về công việc của những người làm gây mê hồi sức mới thấy công việc thầm lặng của anh và các đồng nghiệp: “Nếu phẫu thuật viên chỉ bắt đầu công việc của mình khi các công đoạn chuẩn bị cho ca mổ đã hoàn tất, thì bác sĩ gây mê bao giờ cũng là người vào đầu tiên và ra sau cùng. Chuẩn bị cho một cuộc phẫu thuật, bác sĩ gây mê phải làm tới 3 công đoạn, gồm khám tiền mê (hay còn gọi là khám tiền phẫu); pha thuốc, tiêm cho bệnh nhân, theo dõi máy đo nhịp tim, huyết áp, chỉnh dòng chảy dịch truyền trong quá trình mổ và hồi sức cho bệnh nhân. Đối với mỗi ca phẫu thuật, việc gây mê, gây tê hồi sức cần phải thực hiện một cách nghiêm túc, chính xác, nếu không sẽ xảy ra những tai biến khôn lường, bởi gây mê là phương pháp điều trị đặc biệt, nó làm cho bệnh nhân ngủ, không gây đau, không lo sợ, không nhớ gì về cuộc mổ. Vì thế, bác sĩ gây mê phải bằng mọi cách tiên lượng để cuộc mổ được an toàn, phải biết đánh giá tình trạng từng bệnh nhân không chỉ qua các công thức mà còn bằng chính sự nhạy cảm cùng sự trải nghiệm nghề nghiệp… ”.
Công việc của các bác sĩ gây mê qua lời kể của người trong cuộc rất đỗi giản đơn, nhưng trên thực tế để làm được chuỗi công việc ấy là cả một quá trình phấn đấu không ngừng của tập thể cán bộ, y bác sĩ và nhân viên khoa Phẫu thuật – Gây mê hồi sức. Hiện khoa Phẫu thuật – Gây mê hồi sức có một phức hợp gồm 7 phòng mổ được trang bị những phương tiện kỹ thuật tiên tiến hiện đại và hệ thống khí sạch luân chuyển liên tục đạt tiêu chuẩn Châu Âu cùng 35 giường bệnh hồi tỉnh đạt tiêu chuẩn hồi sức quốc tế. Bên cạnh đó, khu hậu phẫu được thiết kế gắn liền phòng mổ, có bác sĩ chuyên trách hậu phẫu trực tiếp giám sát đến khi bệnh nhân ổn định chuyển sang các khoa phòng khác. Với đội ngũ 52 cán bộ, bác sĩ, kỹ thuật viên, dụng cụ viên và nhân viên phòng mổ được đào tạo và huấn luyện tại các học viện hàng đầu ở Việt Nam về nhiều lĩnh vực thuộc chuyên ngành gây mê hồi sức, các y bác sĩ của khoa chuyên chăm sóc và theo dõi bệnh nhân trong các ca phẫu thuật cũng như xử lý tình huống cấp tính có thể xảy ra ở phòng săn sóc đặc biệt ICU (một chuyên khoa đặc biệt cung cấp toàn bộ các dịch vụ y khoa chính yếu dành cho bệnh nhân nặng). Đồng thời, cán bộ, y bác sĩ của khoa cũng thường xuyên nghiên cứu và cập nhật những thuốc, kỹ thuật mới trong điều trị giúp bệnh nhân kiểm soát cơn đau sau phẫu thuật. Chia sẻ về điều này, bác sĩ Giáp cho biết: “Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người bệnh, tiêu chí của khoa là vận động anh em thường xuyên học hỏi, nâng cao trình độ, cập nhật kiến thức mới hướng tới mục tiêu không để bệnh nhân phải chịu đau đớn”.
Quả thực, không ít lần tác nghiệp trong phòng mổ – nơi bác sĩ Giáp cùng các đồng nghiệp vẫn thường xuyên giành giật sự sống cho người bệnh, người ngoài cuộc như tôi càng cảm nhận rõ hơn niềm hạnh phúc của những người thầy thuốc ấy khi đã góp phần đem lại sức khỏe cho bệnh nhân dù công việc rất thầm lặng. Có lẽ, nụ cười của người bệnh khi tỉnh dậy là món quà quý giá nhất, là nguồn năng lượng thôi thúc họ kiên trì, bền bỉ trên hành trình của “những người phải thức để bảo đảm an toàn cho những người phải ngủ”.