17 Nguyễn Chí Thanh, P. Tân An, Tp. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk.

Điều dưỡng ” Nghề làm dâu trăm họ”

Trong công tác điều trị người bệnh, ngoài nỗ lực của các bác sĩ còn có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ điều dưỡng. Dẫu được ví là những người “làm dâu trăm họ”, nhưng với lòng yêu nghề, ngày ngày các điều dưỡng viên vẫn lặng lẽ vượt qua áp lực của công việc để mang đến sự hài lòng cho bệnh nhân. Và với họ, hạnh phúc lớn nhất là được thấy người bệnh bình phục.

Nhọc nhằn, vất vả  vẫn say nghề

Làm việc tại khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa thị xã Buôn Hồ, hằng ngày công việc của điều dưỡng Nguyễn Thị Hải Yến là theo dõi sinh hiệu, thực hiện thuốc cho bệnh nhân, nhận định tình trạng bệnh để biết cách chăm sóc về dinh dưỡng, vệ sinh, nâng cao thể trạng cho từng bệnh nhân, ghi chú hồ sơ bệnh án… Nói thì đơn giản thế nhưng khi chứng kiến cô thực hiện chuỗi công việc ấy mới thấy hết sự vất vả. Yến chia sẻ: “Công việc cần giải quyết nhiều mà thời gian ít nên nhiều khi cũng áp lực, mệt mỏi. Đã vậy, người bệnh em chăm sóc là những đứa trẻ, thậm chí nhiều em còn chưa biết nói, chỉ biết khóc mỗi khi thấy đau, khó chịu, hay không hài lòng, thế nên nếu không yêu trẻ chắc em không thể gắn bó với công việc này”. Tình yêu với trẻ thơ của Yến được thể hiện bằng sự hết lòng chăm sóc các bé từ miếng ăn, viên thuốc, giấc ngủ đến vệ sinh cá nhân… như một người mẹ thực thụ. Cô bộc bạch “Có những đêm trực em không dám ngủ, sợ ngủ rồi lỡ có chuyện gì với các bé thì không biết phải làm sao. Nhiều khi người mệt lả, hai mắt mỏi nhừ nhưng vẫn ráng thức. Mệt là vậy nhưng cứ nghĩ đến các bé và nhìn các bé đang ngủ ngon thì em lại thấy mình có thêm động lực để tiếp tục công việc”.
Vất vả, áp lực cũng là câu chuyện của những điều dưỡng ở khoa Khám bệnh – Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh. Ở đây, các điều dưỡng viên làm việc như thoi đưa cả ngày lẫn đêm, bởi gần như giờ nào cũng có bệnh nhân vào cấp cứu. Ngoài những công việc tiếp đón, hướng dẫn, dùng thuốc, cận lâm sàng cho người bệnh, tư vấn giáo dục sức khỏe, hoàn tất hồ sơ bệnh án…, các điều dưỡng viên còn phải đảm nhiệm cả việc chăm sóc, vệ sinh cho người bệnh. Tất bật là vậy, nhưng khi người nhà bệnh nhân có thắc mắc, phản ứng gì, các điều dưỡng viên vẫn nhẹ nhàng giải thích thấu đáo. Điều dưỡng trưởng Đoàn Thị Minh Nguyệt cho biết: “Nói chung, mỗi người bệnh, người nhà bệnh nhân một tính cách nên hằng ngày tôi luôn nhắc nhở các điều dưỡng của khoa mình trong mọi trường hợp đều phải bình tĩnh và giải thích cho họ hiểu cặn kẽ vấn đề để cùng hợp tác với nhân viên y tế trong việc cứu chữa người bệnh”.  Có lẽ, vì đã xem người bệnh giống như người thân của mình nên các điều dưỡng ở đây luôn sẵn sàng làm mọi điều có thể để giúp người bệnh qua giây phút khó khăn. Đơn cử là câu chuyện của điều dưỡng trưởng Đoàn Thị Minh Nguyệt đã hiến tặng một đơn vị máu hiếm RH(-) giúp một bệnh nhân bị mất máu nặng qua cơn nguy kịch. Nhưng khi hỏi về việc làm ấy, chị chỉ nhẹ nhàng: “Bệnh nhân cần thì mình hiến tặng, cứu được một người là thêm một niềm vui”.

Luôn hướng đến làm hài lòng người bệnh

Hơn 20 năm gắn bó với công việc điều dưỡng, chị Kiều Thị Thanh Xuân, Điều dưỡng trưởng của khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa tỉnh càng thấy yêu cái nghề mà mình đã chọn nhiều hơn. Bước vào nghề với nhiều bỡ ngỡ nhưng dần dần, công việc của người điều dưỡng đã giúp chị nhận ra rằng, được chăm sóc bệnh nhân là niềm vui, hạnh phúc. Dù đảm nhiệm công việc ở vị trí nào, chị cũng một lòng tận tụy với bệnh nhân, trách nhiệm với nghề nghiệp. Chị bộc bạch: “Điều cốt lõi nhất mà nghề Y cần ở người điều dưỡng là sự nhiệt tình, nhanh nhẹn, cẩn thận, chân thành, giản dị, niềm nở”. Ý thức được điều đó nên ngoài việc học hỏi nâng cao trình độ, trau dồi y đức, với vai trò của một người quản lý, chị xây dựng quy trình hoạt động hợp lý cho điều dưỡng viên thực hiện. Không những thế, chị còn truyền cả thái độ, cử chỉ đúng mực, ân cần với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân cho các đồng nghiệp trẻ tuổi trong khoa và sẵn sàng chỉ bảo, giúp đỡ để họ đều thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, nâng cao tay nghề trong công tác điều trị, chăm sóc cho người bệnh. Nhờ vậy, chị và các đồng nghiệp luôn là chỗ dựa tin cậy cho các sản phụ vào khoa “vượt cạn”.

Cũng lấy sự hài lòng của người bệnh làm mục tiêu hoạt động, thời gian qua, các điều dưỡng viên ở khoa Khám bệnh – Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh nói riêng và toàn bệnh viện nói chung luôn nỗ lực rèn luyện y đức, nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh. Điều dưỡng Đoàn Thị Minh Nguyệt cho biết: “Điều dưỡng là người thực hiện thuốc và chăm sóc bệnh nhân theo y lệnh của bác sĩ, nên họ có vai trò rất lớn trong công tác chăm sóc bệnh nhân. Để điều dưỡng viên không chỉ có tay nghề giỏi mà còn có cái tâm trong sáng, hằng năm, bệnh viện đã có nhiều hoạt động nâng cao chất lượng về mọi mặt cho điều dưỡng như tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo nâng cao kỹ thuật, cập nhật chuyên môn; kỹ năng giao tiếp ứng xử với bệnh nhân, người nhà bệnh nhân; phát động phong trào nghiên cứu khoa học đến các khoa phòng để điều dưỡng tham gia nhằm khuyến khích điều dưỡng có những sáng kiến, đề tài hay ứng dụng hiệu quả trong công việc…”

Không thể phủ nhận những đóng góp của đội ngũ điều dưỡng trong việc chăm sóc và điều trị người bệnh tại các cơ sở y tế. Họ sẵn sàng vượt qua khó khăn, vất vả để nhận về mình những niềm vui giản dị, như điều dưỡng Kiều Thị Thanh Xuân tâm sự: “Niềm vui lớn của người điều dưỡng là khi được cùng đồng nghiệp cứu một người qua cơn bệnh tật”.

Không thể phủ nhận những đóng góp của đội ngũ điều dưỡng trong việc chăm sóc và điều trị người bệnh tại các cơ sở y tế. Họ sẵn sàng vượt qua khó khăn, vất vả để nhận về mình những niềm vui giản dị, như điều dưỡng Kiều Thị Thanh Xuân tâm sự: “Niềm vui lớn của người điều dưỡng là khi được cùng đồng nghiệp cứu một người qua cơn bệnh tật”.

Khánh Duy

TIN TỨC NỔI BẬT