17 Nguyễn Chí Thanh, P. Tân An, Tp. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk.

0262 3 950 606 – 115

0262 3 950 606

Đái tháo đường

  • Tổng quan
  • Tại sao lựa chọn Thiện Hạnh?

Đái tháo đường là bệnh không lây nhiễm, thuộc nhóm bệnh rối loạn chuyển hóa. Có đặc điểm tăng đường (hay glucose) máu mạn tính do thiếu hoặc giảm tác dụng của insulin (là một chất do tế bào tuyến tụy tiết ra, có tác dụng làm giảm và ổn định lượng đường trong máu), hoặc cả hai. Tăng glucose máu mạn tính trong thời gian dài sẽ làm tổn thương nhiều cơ quan khác nhau, đặc biệt là tim, mạch máu, thận, mắt và hệ thần kinh.

1. Đái tháo đường có thường gặp không?

Theo Liên đoàn Đái tháo đường Quốc tế (IDF), năm 2019 toàn thế giới có 463 triệu người trong độ tuổi 20 – 79 bị bệnh đái tháo đường (ĐTĐ), dự kiến sẽ đạt 578 triệu người vào năm 2030 và 700 triệu người vào năm 2045.

Ở Việt Nam, theo nghiên cứu năm 2012 của Bệnh viện Nội tiết Trung ương, tỷ lệ mắc đái tháo đường trên toàn quốc ở người trưởng thành là 5,42%, tỷ lệ đái tháo đường chưa được chẩn đoán trong cộng đồng là 63,6%. Dữ liệu cập nhật của Liên đoàn Đái tháo đường Quốc tế cho thấy năm 2019 Việt Nam có tỷ lệ 6% (trên 6 triệu) người trưởng thành mắc bệnh ĐTĐ; có tới 3/4 bệnh nhân ĐTĐ chưa được chẩn đoán, và chưa tới 1/3 số bệnh nhân đã chẩn đoán được quản lý điều trị tại các sơ sở y tế.

2. Đái tháo đường có nguy hiểm không?

Ước tính hơn 4 triệu người trong độ tuổi từ 20-79 đã tử vong vì các nguyên nhân liên quan đến ĐTĐ trong năm 2019. Bên cạnh đó, cùng với việc tăng sử dụng thực phẩm không thích hợp, ít hoặc không hoạt động thể lực ở trẻ em, bệnh ĐTĐ tuýp 2 đang có xu hướng tăng ở cả trẻ em, trở thành vấn đề sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng.

Bệnh ĐTĐ gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm, là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tim mạch, mù lòa, suy thận, và cắt cụt chi. Đáng lưu ý, có tới 70% trường hợp ĐTĐ tuýp 2 có thể dự phòng hoặc làm chậm xuất hiện bệnh bằng tuân thủ lối sống lành mạnh (dinh dưỡng hợp lý, luyện tập thể dục…)

3. Có những loại đái tháo đường nào?

Bệnh đái tháo đường được phân thành 4 loại chính

a) Đái tháo đường tuýp 1: do phá hủy tế bào beta tụy, dẫn đến thiếu hụt insulin.

b) Đái tháo đường tuýp 2: do giảm chức năng của tế bào beta tụy, giảm tác dụng của insulin.

c) Đái tháo đường thai kỳ: là ĐTĐ được chẩn đoán trong 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối của thai kỳ và không có bằng chứng về ĐTĐ tuýp 1, tuýp 2 trước đó.

d) Các loại ĐTĐ đặc biệt do các nguyên nhân khác, như ĐTĐ sơ sinh hoặc đái tháo đường do sử dụng thuốc và hóa chất như sử dụng glucocorticoid, điều trị HIV/AIDS hoặc sau cấy ghép mô…

4. Những tiêu chuẩn nào để chẩn đoán đái tháo đường?

Tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường dựa vào 1 trong 4 tiêu chí sau đây:

a) Glucose huyết tương lúc đói ≥ 126 mg/dL (hay 7 mmol/L)

b) Glucose huyết tương ở thời điểm sau 2 giờ làm nghiệm pháp dung nạp với 75g glucose bằng đường uống ≥ 200 mg/dL (hay 11,1 mmol/L)

c) HbA1c ≥ 6,5% (48 mmol/mol). Xét nghiệm HbA1c phải được thực hiện bằng phương pháp đã chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế.

d) BN có triệu chứng kinh điển của tăng glucose huyết hoặc của cơn tăng glucose huyết cấp kèm mức glucose huyết tương bất kỳ ≥ 200 mg/dL (hay 11,1 mmol/L).

Chẩn đoán xác định nếu có 2 kết quả trên ngưỡng chẩn đoán trong cùng 1 mẫu máu xét nghiệm hoặc ở 2 thời điểm khác nhau đối với tiêu chí a, b, hoặc c; riêng tiêu chí (d) chỉ cần một lần xét nghiệm duy nhất.

5. Những ai nên tầm soát phát hiện đái tháo đường?

a) Người trưởng thành ở bất kỳ tuổi nào có thừa cân hoặc béo phì (BMI ≥ 23 kg/m2) và có kèm một trong số các yếu tố nguy cơ sau:

– Có người thân đời thứ nhất ( bố mẹ, anh chị em ruột, con đẻ ) bị ĐTĐ

– Tiền sử bệnh tim mạch do xơ vữa động mạch

– Tăng huyết áp (HA ≥ 140/90 mmHg, hoặc đang điều trị THA)

– HDL cholesterol < 35 mg/dL (0,9mmol/L) và/hoặc triglyceride >250mg/dL (2,8mmol/L)

– Phụ nữ bị hội chứng buồng trứng đa nang

– Ít hoạt động thể lực

b) Phụ nữ đã được chẩn đoán ĐTĐ thai kỳ cần theo dõi lâu dài, xét nghiệm ít nhất mỗi 3 năm.

c) Tất cả mọi người từ 45 tuổi trở lên

d) Nếu các kết quả bình thường, xét nghiệm sẽ được làm lại trong vòng 1- 3 năm sau hoặc ngắn hơn tùy theo kết quả ban đầu và các yếu tố nguy cơ.

Đái tháo đường là bệnh lý gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, làm giảm chất lượng cuộc sống, có thể gây ra tàn phế và tử vong nên cần được phát hiện và điều trị càng sớm càng tốt. Sau khi được phát hiện bệnh cũng cần được theo dõi và quản lý lâu dài tại cơ sở y tế uy tín để đảm bảo chất lượng điều trị.

– Tại Bệnh viện đa khoa Thiện Hạnh có đầy đủ phương tiện để chẩn đoán, tầm soát phát hiện các biến chứng của bệnh đái tháo đường để có phương pháp điều trị tốt nhất.

– Đội ngũ y bác sĩ tận tâm, có chuyên môn cao, được trang bị và cập nhật đầy đủ kiến thức, giàu kinh nghiệm trong việc theo dõi và điều trị bệnh.

– Có đầy đủ các loại thuốc điều trị bệnh theo từng giai đoạn và mức độ của bệnh.