Khó ngủ, mất ngủ, ngủ không ngon giấc là biểu hiện thường gặp ở người cao tuổi. Có nhiều nguyên nhân gây mất ngủ, trong đó chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng. Vậy, người cao tuổi nên ăn uống thế nào để có giấc ngủ ngon?
Nguyên nhân gây mất ngủ ở người cao tuổi
Có nhiều nguyên nhân gây mất ngủ ở người cao tuổi, phụ thuộc vào tuổi tác, sức khỏe, thói quen sinh hoạt, ảnh hưởng tâm lý…
Người cao tuổi ít hoạt động thể lực, ít tiếp xúc với ánh sáng, dễ bị thức giấc hơn… Bên cạnh đó, việc mắc các bệnh lý như: sa sút trí tuệ, tim mạch, viêm nhiễm đường hô hấp, đau xương khớp, trầm cảm, hen suyễn… cũng là một trong những nguyên nhân gây mất ngủ ở người cao tuổi.
Ngoài ra, theo sự phát triển tâm sinh lý, chu kỳ thức ngủ sẽ thay đổi dần theo tuổi tác. Ở người cao tuổi, thời gian ngủ sẽ ít dần, có khuynh hướng ngủ muộn hơn và thức dậy sớm hơn. Bên cạnh đó, người cao tuổi không ngủ được còn do tâm lý thường nghĩ về quá khứ, hay lo lắng và dễ xúc động…
Loại trừ nguyên nhân mất ngủ do bệnh lý thì cách điều trị mất ngủ tốt nhất là áp dụng các biện pháp không dùng thuốc. Trong đó cần điều chỉnh chế độ dinh dưỡng phù hợp.
Người cao tuổi nên ăn uống thế nào để có giấc ngủ tốt?
Chế độ dinh dưỡng ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và chất lượng giấc ngủ. Đồ ăn, thức uống có những loại gây khó ngủ, mất ngủ, nhưng cũng có những loại có tác dụng cải thiện tình trạng rối loạn giấc ngủ rất tốt. Vậy người cao tuổi bị mất ngủ, ngủ không ngon giấc nên ăn uống thế nào để có giấc ngủ tốt?
Ăn đủ chất
Trước tiên, người cao tuổi cần ăn uống đủ chất. Thực đơn hằng ngày phải đảm bảo đầy đủ 4 nhóm thực phẩm. Cụ thể: nhóm bột đường (chủ yếu từ các loại ngũ cốc); nhóm chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu, đỗ…); nhóm chất béo (mỡ động vật, dầu thực vật); nhóm vitamin và khoáng chất (các loại rau, củ, quả tươi…).
Thức ăn nấu mềm
Do khả năng nhai nuốt và hấp thu dinh dưỡng kém nên thức ăn hàng ngày của người cao tuổi cần được chế biến mềm, nhừ giúp người cao tuổi dễ ăn, dễ nuốt và dễ tiêu hóa. Nên ăn các món hấp, luộc, hầm nhừ… Các món cháo, súp, canh hầm… rất tốt cho khả năng ăn uống và hấp thu dinh dưỡng của người cao tuổi.
Thức ăn cho người cao tuổi nên nấu mềm, nhừ
Ăn đúng giờ
Ăn đúng giờ, không bỏ bữa. Nếu người già yếu bị mệt không ăn được nhiều, gia đình nên chia nhỏ bữa ăn phù hợp, mỗi lần ăn một ít, cách khoảng 2-3 tiếng ăn một lần, làm sao để đảm bảo đủ số lượng và chất lượng dinh dưỡng cần thiết.
Không nên ăn quá no, hoặc ăn bữa ăn quá nhiều chất đạm, béo, ăn trước khi ngủ có thể gây đầy bụng, khó tiêu, ậm ạch, khó chịu dẫn đến mất ngủ. Tuy nhiên cũng không nên để bụng đói khi đi ngủ sẽ dễ bị cơn đói đánh thức vào giữa đêm.
Thực phẩm tốt cho giấc ngủ người cao tuổi
Người cao tuổi nên ăn thực phẩm giàu vitamin nhóm B. Các thực phẩm giàu vitamin B1, B3, B5, B6, B12 như: thịt, cá, sữa, trứng, gan động vật, ngao, hàu, trai, các loại hải sản, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu… rất tốt cho hoạt động của hệ thần kinh, giúp ngăn ngừa mệt mỏi, trầm cảm, đau đầu, giảm trí nhớ, mất ngủ…
Thực phẩm giàu vitamin nhóm B rất tốt cho người cao tuổi bị mất ngủ
Các thực phẩm giàu magiê như: các loại rau lá xanh như rau chân vịt, các loại hạt, đậu và ngũ cốc nguyên hạt… cũng rất tốt với người bị mất ngủ. Magiê là khoáng chất cần thiết cho cơ thể, giúp làm dịu hệ thần kinh trung ương ảnh hưởng tới giấc ngủ.
Ngoài ra, người cao tuổi bị mất ngủ cũng có thể sử dụng một số thực phẩm đã được chứng minh có tác dụng an thần như: lá vông, hạt sen, tâm sen, long nhãn, táo đỏ… Cách dùng: hãm uống thay trà hoặc nấu cháo ăn giúp cải thiện giấc ngủ tốt.
Thực phẩm không nên dùng khi bị mất ngủ
– Hạn chế thức ăn nhiều chất béo như: thực phẩm chế biến sẵn, các món xào, chiên nhiều dầu mỡ….
– Không nên sử dụng đồ uống có chứa chất kích thích, gây mất ngủ như rượu, bia, trà đặc, cà phê, pepsi, coca…
– Không uống nhiều nước trước khi đi ngủ để hạn chế tình trạng đi tiểu đêm làm gián đoạn giấc ngủ.
– Không hút thuốc lá và tránh hít phải khói thuốc lá…
Người cao tuổi bị mất ngủ không nên uống trà đặc
Để cải thiện tình trạng mất ngủ hiệu quả, bên cạnh việc điều chỉnh chế độ dinh dưỡng phù hợp, người cao tuổi cần thực hiện lối sống lành mạnh, sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý. Nên sống lạc quan, tinh thần thoải mái, tránh xúc động hay những lo lắng không cần thiết. Nếu bị rối loạn giấc ngủ kéo dài, người bệnh cần đi khám bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân và có biện pháp điều trị phù hợp.
Theo: https://suckhoedoisong.vn/nguoi-cao-tuoi-nen-an-uong-the-nao-de-co-giac-ngu-ngon-169211005234019067.htm