17 Nguyễn Chí Thanh, P. Tân An, Tp. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk.

BV Thiện Hạnh: Cứu sống trường hợp xuất huyết ổ bụng do thai ngoài tử cung vỡ

Bệnh nhân 30 tuổi bị xuất huyết ổ bụng do thai ngoài tử cung vỡ, được các bác sĩ Bệnh viện Thiện Hạnh phẫu thuật cấp cứu và truyền 04 đơn vị máu ngay tại phòng mổ. Hiện sức khỏe bệnh nhân chuyển biến tích cực và đã được xuất viện.

Bệnh nhân sinh năm 1991 (trú tại xã Cư Mốt, huyện Ea Hleo, Đắk Lắk) nhập viện ngày 30/9 trong tình trạng đau bụng nhiều, da niêm mạc nhợt nhạt, mạch nhanh, huyết áp tụt. Qua thăm khám, bác sĩ phát hiện có tình trạng xuất huyết ổ bụng. Ngay lập tức, bệnh nhân được hồi sức và tiến hành mổ cấp cứu.

Quá trình phẫu thuật nội soi ổ bụng phát hiện bệnh nhân có khối thai ở vòi trứng phải đã vỡ và đang chảy máu, lượng máu trong ổ bụng khoảng 1800ml. Kíp mổ đã xử trí cắt khối thai vòi trứng phải, cầm máu và truyền 04 đơn vị máu ngay tại phòng mổ. Sau phẫu thuật thành công, sức khỏe của bệnh nhân dần ổn định và có nhiều chuyển biến tích cực.

Được biết trước đó 2 tuần, người bệnh có thực hiện kế hoạch hóa gia đình bằng phương pháp nạo hút thai tại một phòng khám thai.

geu

Thai ngoài tử cung là gì?

Thai ngoài tử cung là khi trứng thụ tinh làm tổ và phát triển ở một vị trí khác ngoài nội mạc tử cung. Hơn 95% trường hợp thai ngoài tử cung xảy ra ở ống dẫn trứng (loa vòi, đoạn bóng, đoạn eo hoặc đoạn kẽ). 5% còn lại xảy ra ở các vị trí khác như buồng trứng, ổ bụng, cổ tử cung hoặc sẹo mổ trước đó. Đôi khi có thể gặp thai ngoài tử cung ở 2 bên, chiếm tỉ lệ khoảng 1/200.000 thai kỳ. Hoặc có thể gặp trường hợp đa thai với một thai làm tổ trong buồng tử cung bình thường và thai còn lại ở vị trí lạc chỗ (tỉ lệ 1/30.000 thai kỳ).

Nếu không can thiệp, diễn tiến tự nhiên của thai ngoài tử cung ở ống dẫn trứng sẽ theo 3 hướng như sau:

  • Sẩy qua loa vòi trứng
  • Thoái triển tự nhiên
  • Vỡ ống dẫn trứng, gây chảy máu trong ổ bụng. Đây là một trường hợp khẩn cấp, đe dọa tính mạng và cần được phẫu thuật ngay.

geu1

Các triệu chứng của thai ngoài tử cung

Triệu chứng ban đầu của thai ngoài tử cung có thể giống như một thai kỳ điển hình, bao gồm các dấu hiệu trễ kinh, ngực căng hoặc đau bụng. Bên cạnh đó còn một số dấu hiệu khác như:

  • Chảy máu âm đạo bất thường
  • Đau bụng. Đối với dấu hiệu này, có thể khó nhận ra là bạn đang mang thai điển hình hay mang thai ngoài tử cung. Tuy nhiên, khi thai ngoài tử cung phát triển, các triệu chứng nghiêm trọng hơn có thể xuất hiện, đặc biệt nếu khối thai ngoài vỡ, có thể khiến bạn đột ngột đau dữ dội ở vùng bụng hoặc vai, chóng mặt hoặc ngất xỉu.

Thai ngoài tử cung được chẩn đoán như thế nào?

Thai ngoài tử cung được chẩn đoán thông qua việc thăm khám vùng chậu, xét nghiệm máu đo nồng độ βhCG và đặc biệt thông qua siêu âm phát hiện vị trí thai.

Thai ngoài tử cung được điều trị như thế nào?

Một thai ngoài tử cung không thể di chuyển hoặc được di chuyển đến tử cung, vì vậy thai ngoài tử cung luôn cần được điều trị. Có ba phương pháp:

  • Theo dõi sự thoái triển tự nhiên của thai ngoài tử cung.
  • Điều trị nội khoa (đều trị bằng thuốc)
  • Phẫu thuật

Việc chọn lựa phương pháp điều trị tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể.

Làm gì khi thai ngoài tử cung bị vỡ?

Nếu phát hiện muộn dẫn tới thai ngoài tử cung vỡ, bệnh nhân cần phải được can thiệp phẫu thuật ngay. Có hai phương pháp phẫu thuật là mổ hở và mổ nội soi. Hiện nay, với tiến bộ của khoa học kỹ thuật thì mổ nội soi đang là lựa chọn tối ưu cho các trường hợp thai ngoài tử cung cần can thiệp phẫu thuật.

Ưu điểm của phẫu thuật nội soi thai ngoài tử cung:

  • Là phương pháp mổ bụng kín giúp giải quyết khối thai nhanh hơn phương pháp mổ hở, ít đau, tránh nhiễm trùng, vết mổ nhỏ thẩm mỹ, thời gian nằm viện ngắn (48h – 72h sau mổ có thể xuất viện), hồi phục nhanh (có thể sớm mang thai trở lại) và hạn chế dùng kháng sinh.
  • Mổ nội soi còn giúp tránh được một số nguy cơ trong phẫu thuật như tắc dính ruột sau mổ.
  • Một số trường hợp phát hiện sớm khi thai ngoài tử cung chưa vỡ, có thể thực hiện phẫu thuật nội soi bảo tồn vòi tử cung. Đây là kỹ thuật khá khó, đòi hỏi bác sĩ thực hiện phải có kinh nghiệm, được đào tạo kỹ lưỡng, bài bản và chỉ thực hiện được khi thai ngoài tử cung chưa vỡ.

KHUYẾN CÁO:

  • Để đảm bảo an toàn khi thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình, giảm thiểu chẩn đoán muộn, tránh xảy ra biến chứng đáng tiếc như mất máu nhiều, đôi khi ảnh hưởng tới tính mạng, các chị em khi có quyết định thực hiện kế hoạch hóa gia đình – nạo hút thai cần được bác sĩ sản khoa khám và tư vấn, phải thực hiện siêu âm xác định chính xác tuổi thai và vị trí túi thai để chắc chắn loại trừ thai ngoài tử cung.
  • Khi đã được chẩn đoán là thai ngoài tử cung và có ch định phẫu thuật, nên chọn cơ sở y tế có đầy đủ trang thiết bị, đội ngũ y bác sĩ nhiều kinh nghệm trong phẫu thuật nội soi nhằm đem lại kết quả điều trị tốt, an toàn và đường mổ thẩm mỹ nhất.

TIN TỨC NỔI BẬT