17 Nguyễn Chí Thanh, P. Tân An, Tp. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk.

Phẫu thuật thành công cho thai phụ mắc bệnh hiếm gặp

(Nld.com.vn) – Thai phụ bị nhau tiền đạo trung tâm – cài răng lược thể Percreta và con, đã hồi phục sức khỏe sau cuộc phẫu thuật kéo dài 80 phút, truyền 10 đơn vị máu, huyết tương.
Ngày 7-10, bác sĩ Nguyễn Quang Hùng, Trưởng khoa Phụ sản, Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh (tỉnh Đắk Lắk), cho biết sau thời gian chăm sóc tại bệnh viện, sức khỏe của cháu bé và mẹ bị nhau tiền đạo trung tâm – cài răng lược thể Percreta đã ổn định và xuất viện.

1Ca phẫu thuật kéo dài khoảng 80 phút, truyền 10 đơn vị máu, huyết tương

Trước đó, chị C.T.T.K (32 tuổi, ngụ huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) nhập viện khi đang mang thai tuần thứ 34, đau vùng vết mổ cũ nhiều, được các y, bác sĩ phát hiện bị nhau tiền đạo trung tâm – cài răng lược thể Percreta trên nền vết mổ lấy thai cũ.

Sau đó, ê-kíp gồm các bác sĩ Khoa Phụ sản, Khoa Ngoại, bác sĩ gây mê và huyết học truyền máu đã tiến hành mổ lấy thai. Ca phẫu kéo dài 80 phút, thai phụ được truyền 6 đơn vị máu cùng 4 đơn vị huyết tương, cắt tử cung toàn phần, xử lý bàng quang. Sau phẫu thuật, bé trai ra đời nặng 2,1kg, được bác sĩ kịp thời hồi sức, hỗ trợ hô hấp với áp lực dương liên tục qua mũi với máy CPAP di động.

Sau 7 ngày điều trị, sức khỏe sản phụ tiến triển tốt và đã được xuất viện. Riêng em bé tiếp tục được theo dõi và chăm sóc tại bệnh viện hơn 2 tuần, vừa được xuất viện. “Đối với các bé sinh non tháng, dữ liệu vẫn sẽ được cập nhật và theo dõi liên tục bởi khoa Nhi của bệnh viện. Đây là một trong nhiều trường hợp nhau cài răng lược có vết mổ lấy thai cũ mà Bệnh viện Thiện Hạnh đã tiếp nhận và phẫu thuật thành công” – bác sĩ Hùng thông tin.

Nhau cài răng lược là một bệnh lý nguy hiểm, có khả năng đe dọa tính mạng mẹ và thai nhi nếu không được chẩn đoán sớm và xử lý kịp thời. Đây cũng là nguyên nhân gây ra các tình trạng băng huyết sau sinh, rối loạn đông máu…, thậm chí là tử vong cho sản phụ.

Những thai phụ nhau cài răng lược có thể sẽ phải chấm dứt thai kỳ sớm nếu có biến chứng xảy ra (để bảo vệ tính mạng người mẹ) trong khi thai vẫn còn non tháng. Khi đó, trẻ non tháng có thể gặp phải các nguy cơ như suy hô hấp, vàng da, nhiễm trùng, khó nuôi, thậm chí tử vong… Do đó, sau khi chào đời, trẻ phải được hồi sức, chăm sóc đặc biệt.

“Tất cả các thai phụ được xác định nhau tiền đạo, nhau cài răng lược phải được quản lí thai nghén và can thiệp lúc sinh tại cơ sở y tế có đầy đủ phương tiện phẫu thuật, có sẵn nguồn máu, đặc biệt là đội ngũ y bác sĩ nhiều kinh nghiệm và đơn vị sơ sinh đủ năng lực nuôi dưỡng trẻ non tháng” – bác sĩ Hùng khuyến cáo.

Nguồn: https://nld.com.vn/suc-khoe/phau-thuat-thanh-cong-cho-thai-phu-mac-benh-hiem-gap-20211007100252761.htm

TIN TỨC NỔI BẬT