Vừa qua, các bác sĩ Bệnh viện Thiện Hạnh đã phẫu thuật thành công cho một sản phụ mang thai ở tuần thứ 34, bị nhau tiền đạo trung tâm – cài răng lược thể Percreta trên nền vết mổ lấy thai cũ nguy hiểm. Sau mổ, em bé được theo dõi, chăm sóc đặc biệt tại đơn vị sơ sinh của khoa Nhi. Hiện sức khỏe hai mẹ con đều ổn định và đã được xuất viện.
Bác sĩ Nguyễn Quang Hùng, Trưởng khoa Phụ sản cho biết: Bệnh nhân C.T.T.K (Krông Bông, Đắk Lắk), 32 tuổi, mang thai lần thứ 2, nhập viện trong tình trạng đau vùng vết mổ cũ nhiều, được các sĩ phát hiện bị nhau tiền đạo trung tâm – cài răng lược thể Percreta trên nền vết mổ lấy thai cũ và chỉ định phẫu thuật.
Ngày 14/9/2021, sản phụ được tiến hành mổ lấy thai dưới sự phối hợp của ekip gồm các bác sĩ khoa Phụ sản, khoa Ngoại, bác sĩ gây mê và huyết học truyền máu. Ca phẫu thuật diễn ra trong khoảng 80 phút, bệnh nhân được cắt tử cung toàn phần, xử lý bàng quang, truyền 6 đơn vị máu cùng 4 đơn vị huyết tương tươi đông lạnh. Sau phẫu thuật, sức khỏe sản phụ ổn định. Bé trai ra đời nặng 2100g, được bác sĩ chuyên khoa Nhi – Sơ sinh kịp thời hồi sức, hỗ trợ hô hấp với áp lực dương liên tục qua mũi ngay sau mổ với máy CPAP di động.
Sau 07 ngày điều trị, sức khỏe sản phụ tiến triển tốt và đã được xuất viện, riêng em bé tiếp tục được theo dõi và chăm sóc tại đơn vị sơ sinh của khoa Nhi. Đến nay, sức khỏe của bé dần ổn định, tiêu sữa tốt và được xuất viện ngày 02/10/2021. Đối với các bé sinh non tháng, dữ liệu vẫn sẽ được cập nhật và theo dõi liên tục bởi khoa Nhi của Bệnh viện. Đây là một trong nhiều trường nhau cài răng lược có vết mổ lấy thai cũ mà Bệnh viện Thiện Hạnh đã tiếp nhận và phẫu thuật thành công.
Nhau cài răng lược là gì? Những điều cần lưu ý trong thai kì?
Nhau cài răng lược là một bệnh lý nguy hiểm, có khả năng đe dọa tính mạng mẹ và thai nhi nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời. Nhau cài răng lược là từ chung dùng mô tả bệnh cảnh lâm sàng khi một phần hay toàn bộ bánh nhau xâm lấn và không thể tách rời khỏi thành tử cung. Bình thường sau khi sinh, bánh nhau sẽ tự tách rời khỏi thành tử cung và được sổ ra ngoài, nhưng khi bị nhau cài răng lược, bánh nhau không thể bong khỏi tử cung và là nguyên nhân gây ra các tình trạng băng huyết sau sinh, rối loạn đông cầm máu,.. thậm chí là tử vong cho sản phụ. Trên thế giới tỉ lệ nhau cài răng lược ở các sản phụ thay đổi từ 1:2510 vào năm 1980, tăng lên đến 1:533 vào năm 2002 (Hiệp hội Sản Phụ Khoa Hoa Kỳ 2012). Một số yếu tố nguy cơ của nhau cài răng lược bao gồm: tiền sử mổ lấy thai, nhau tiền đạo (dù không có tiền sử mổ lấy thai), tiền sử nạo hút buồng tử cung, tuổi người mẹ, số lần sinh con.
Nhau cài răng lược gồm ba thể:
- Accreta: gai nhau bám trực tiếp lên bề mặt tử cung (79% trường hợp)
- Increta: gai nhau xâm nhập sâu vào trong cơ tử cung (14% trường hợp)
- Percreta: gai nhau xâm nhập xuyên qua cơ tử cung đến lớp thanh mạc tử cung hoặc xâm lấn qua các cơ quan lân cận như bàng quang, ruột,…(7% trường hợp).
Tỷ lệ nhau cài răng lược có khuynh hướng gia tăng trong những thập kỷ gần đây, chủ yếu ở nhóm bệnh nhân có tiền sử mổ lấy thai. Nhau cài răng lược là một trong những nguyên nhân phổ biến gây mất máu cấp, nặng cho sản phụ trong quá trình trước, trong và sau sinh. Khoảng 90% sản phụ nhau cài răng lược phải truyền máu, trong đó trên 40% phải truyền hơn 10 đơn vị máu. Tỷ lệ tử vong ở sản phụ khoảng 7% dù đã chuẩn bị kỹ, được truyền máu, chăm sóc trước, trong và sau phẫu thuật.
Những sản phụ nhau cài răng lược có thể sẽ phải chấm dứt thai kỳ sớm nếu có biến chứng xảy ra (để bảo vệ tính mạng người mẹ) trong khi thai vẫn còn non tháng. Khi đó trẻ non tháng có thể gặp phải các nguy cơ như suy hô hấp, vàng da, nhiễm trùng, khó nuôi, thậm chí tử vong,…
Chính vì vậy, sản phụ cần được chẩn đoán chính xác tình trạng nhau cài răng lược tại cơ sở y tế có đội ngũ y bác sĩ trình độ chuyên môn cao. Khi được chẩn đoán đúng, kịp thời, sản phụ sẽ có kế hoạch theo dõi thai kỳ và kế hoạch chấm dứt thai kỳ tại thời điểm phù hợp. Việc theo dõi cũng nên được tiến hành cẩn thận, sát sao tại cơ sở y tế có đầy đủ máu, các thiết bị hiện đại phù hợp chuyên ngành cũng như đội ngũ phẫu thuật viên nhiều kinh nghiệm về mổ nhau cài răng lược, từ đó giảm tỷ lệ tai biến và giúp cuộc phẫu thuật có kết quả tốt nhất.
Bên cạnh đó, các trường hợp nhau cài răng lược có thể phải chấm dứt thai kỳ lúc còn non tháng, vì vậy việc lựa chọn cơ sở y tế có khả năng hồi sức và nuôi dưỡng trẻ non tháng là vô cùng quan trọng. Đối với một số trường hợp nhau cài răng lược tùy theo thể bệnh, tuổi thai, mức độ xuất huyết và tổng trạng mẹ mà có hướng giải quyết là mổ lấy thai cấp cứu hoặc cố gắng dưỡng thai thêm đến mốc tuổi thai hợp lý (thường là khoảng 34-35 tuần, theo khuyến cáo của Hiệp hội Sản Phụ Khoa Hoa Kỳ 2019).
KHUYẾN CÁO: Tất cả các thai phụ được xác định nhau tiền đạo, nhau cài răng lược phải được quản lí thai nghén và can thiệp lúc sinh tại cơ sở y tế có đầy đủ phương tiện phẫu thuật, có sẵn nguồn máu, đặc biệt là đội ngũ y bác sĩ nhiều kinh nghiệm và đơn vị sơ sinh đủ năng lực nuôi dưỡng trẻ non tháng.
Tham khảo dịch vụ: Phẫu thuật bảo tồn tử cung trong nhau cài răng lược (NCRL)