17 Nguyễn Chí Thanh, P. Tân An, Tp. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk.

0262 3 950 606 – 115

0262 3 950 606

ROTAVIRUS- Nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do tiêu chảy ở trẻ em

Tiêu chảy do vi rút Rota (ICD-10 A08.0) là bệnh cấp tính do vi rút gây nên. Rotavirus là nguyên nhân hàng đầu gây tiêu chảy nặng, thậm chí tử vong ở trẻ nhỏ. Trẻ bị tiêu chảy cấp do Rotavirus có tỷ lệ nhập viện cao gấp ba lần so với tiêu chảy do nguyên nhân khác. Tại Việt Nam, 56% trường hợp tiêu chảy cấp nhập viện ở trẻ nhỏ là do Rotavirus.

Tiêu chảy cấp là một bệnh rất phổ biến, đứng hàng thứ hai sau nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính ở trẻ em, là bệnh có tỷ lệ mắc và tử vong cao. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hằng năm trên thế giới có khoảng 1,5 tỷ lượt trẻ dưới 5 tuổi mắc tiêu chảy và 4 triệu trẻ chết vì bệnh này, trong đó 80% xảy ra ở trẻ dưới 2 tuổi. Đây cũng là nguyên nhân của 2,4 triệu ca nhập viện ở trẻ em dưới 5 tuổi hằng năm trên toàn thế giới.

Nhiễm Rotavirus gây tử vong cho khoảng 453.000 trẻ em dưới 5 tuổi trên thế giới mỗi năm và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại các nước đang phát triển. Nguyên nhân chính gây tử vong khi trẻ bị tiêu chảy là mất nước và điện giải, tiếp theo là suy dinh dưỡng (SDD). SDD và tiêu chảy tạo thành một vòng xoắn bệnh lý: tiêu chảy dẫn đến SDD và khi trẻ bị SDD lại có nguy cơ bị tiêu chảy cao, gây ảnh hưởng lớn đến sự tăng trưởng của trẻ và là gánh nặng về kinh tế đối với gia đình, xã hội.

Lứa tuổi hay mắc tiêu chảy do Rotavirus là nhóm trẻ từ 06 đến 36 tháng. Tính miễn dịch đối với Rotavirus xuất hiện phần lớn ở trẻ nhỏ sau khi mắc bệnh nhưng không bền vững nên bệnh vẫn có thể bị mắc lại. Nhiễm Rotavirus có thể gặp ở trẻ sơ sinh và người lớn nhưng thường không có triệu chứng. Ở Việt Nam có sự khác biệt về mùa mắc tiêu chảy do Rotavirus giữa 2 miền Nam – Bắc. Tỷ lệ mắc tiêu chảy do Rotavirus tăng cao vào mùa đông xuân ở miền Bắc, cao nhất từ tháng 9 – 11 trong khi đó ở miền Nam bệnh không phụ thuộc theo mùa, xảy ra quanh năm. Rotavirus chủ yếu lây truyền qua đường phân – miệng, ngoài ra virus có thể lây qua đường hô hấp.

Tại tỉnh Đắk Lắk, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, tính từ đầu năm tới nay đã có 111 trường hợp tiêu chảy do vi rút Rota (Ea Súp: 98 trường hợp, Cư M’Gar: 12 trường hợp và Buôn Đôn: 01 trường hợp), trong đó có 01 trường hợp tử vong ở Ea Sup.

Yếu tố nguy cơ của Rotavirus: Trẻ bú bình không đảm bảo vệ sinh, nguy cơ tiêu chảy cao gấp nhiều lần so với trẻ bú mẹ hoàn toàn hoặc không bú bình; Ăn bổ sung không đúng cách: cho trẻ ăn thức ăn nấu để lâu ở nhiệt độ phòng, thức ăn bị ô nhiễm trước và sau khi chế biến; Nước uống không sạch (không đun sôi hoặc để lâu) hoặc nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm; Dụng cụ, tay người chế biến thức ăn bị nhiễm bệnh; Xử lý chất thải đã nhiễm bệnh không đúng cách, quan niệm phân trẻ không bẩn như phân người lớn; Không có thói quen rửa tay sau khi đi vệ sinh, trước khi chế biến thức ăn, trước khi cho trẻ ăn…

Triệu chứng lâm sàng:

Rotavirus gây viêm dạ dày ruột rất đặc trưng bởi sự xuất hiện đột ngột của các triệu chứng: tiêu chảy phân nước, sốt và nôn. Triệu chứng thường xuất hiện sau giai đoạn ủ bệnh 2 đến 3 ngày và kéo dài khoảng 5 đến 7 ngày.

Nôn và đi ngoài phân tóe nước là hai đặc điểm lâm sàng thường gặp trong viêm dạ dày ruột cấp do Rotavirus mà ít thấy trong các căn nguyên khác. Thông thường trẻ khởi phát bệnh với triệu chứng nôn xuất hiện trước tiêu chảy khoảng 6-12 giờ và có thể kéo dài 2-3 ngày, trẻ nôn rất nhiều vào ngày đầu và giảm bớt khi bắt đầu đi tiêu chảy; Trẻ sốt; Tiêu chảy tóe nước nhiều lần trong ngày, có lúc màu xanh dưa cải, có thể có đờm, nhớt nhưng không có máu. Tiêu chảy ngày càng tăng trong vài ngày, sau đó giảm dần. Tiêu chảy cấp do Rotavirus là nguyên nhân gây mất nước đứng hàng thứ 2 sau Tả do số lần tiêu chảy trong ngày thường từ 10-20 lần, một số trường hợp trẻ có thể đi ngoài trên 20 lần/ngày.

Sốt là biểu hiện khá phổ biến của trẻ nhiễm Rotavirus. Kết quả từ các nghiên cứu trong nước và trên thế giới cho thấy hầu như tất cả các bệnh nhân tiêu chảy cấp do Rotavirus có sốt, trong đó gần 50% các trường hợp có biểu hiện sốt nhẹ ≤ 38,5oC. Các triệu chứng thường gặp khác như nôn (100%), biếng ăn (97,67%), khó chịu (90,7%), đau bụng, có thể ho và chảy nước mũi.Cac-trieu-chung-khi-nhiem-Rotavirus(1)

Triệu chứng thường xuất hiện trong tiêu chảy do Rotavirus

Do vừa bị nôn và tiêu chảy nhiều lần, trẻ bị nhiễm Rotavirus rất dễ bị mất nước nếu không được chăm sóc thích hợp. Biến chứng nguy hiểm và trầm trọng của bệnh là khô kiệt do mất nước và mất muối, dễ dẫn đến trụy mạch và tử vong nếu không được bù nước kịp thời. Các biểu hiện của mất nước bao gồm: khát nước, môi khô, lưỡi khô, da khô, tiểu ít, kích thích, quấy khóc.

– Để đánh giá mức độ mất nước của trẻ cần:

+ Quan sát toàn trạng trẻ: trẻ tỉnh táo, bình thường khi chưa mất nước, vật vã, kích thích khi mất nước hoặc mệt lả li bì khi mất nước nặng.

+ Khát nước: cho trẻ uống nước bằng cốc hoặc thìa để đánh giá mức độ khát của trẻ. Trẻ uống bình thường: có uống nhưng không thích lắm hoặc từ chối uống, khi trẻ chưa có biểu hiện mất nước trên lâm sàng. Trẻ khát nước uống một cách háo hức, vồ lấy cốc hoặc thìa để uống hoặc khóc khi ngừng cho trẻ uống khi trẻ có biểu hiện mất nước vừa. Trẻ có thể không uống hoặc uống kém do trẻ li bì khi mất nướcnặng.

+ Đánh giá độ chun giãn của da trẻ bằng dấu hiệu véo da của trẻ ở vùng bụng theo chiều dọc cơ thể rồi bỏ tay hoặc vùng đùi, véo thành nếp rồi bỏ ra, quan sát. Bình thường nếp véo da mất nhanh, khi trẻ bị mất nước mức độ vừa nếp véo da sẽ mất chậm (dưới 2 giây) hoặc rất chậm (trên 2 giây) khi mất nước nặng.

+ Mắt trẻ có trũng hơn bình thường không?

+ Quan sát xem trẻ khóc to có nước mắt chảy ra không? Khi trẻ khóc to mà mắt khô, không có nước mắt là trẻ đã bị mất nước.

+ Quan sát môi, miệng, lưỡi của trẻ xem có khô không? Dùng ngón tay sạch, khô sờ vào miệng, lưỡi của trẻ rồi rút ra. Nếu thấy khô, không có nước bọt là trẻ có biểu hiện mấtnước.

+ Với những trẻ còn thóp: Thóp của trẻ có lõm trũng hơn bình thường không? Nếu có, trẻ có dấu hiệu mất nước.

+ Ngoài ra, theo dõi mạch: nhanh yếu/ khó bắt nếu mất nước nặng; Trẻ thở nhanh nếu mất nước nặng hoặc tiếu ít, nước tiểu sẫm màu là có dấu hiệu mất nước, trẻ không tiểu trong 6 giờ là mất nước nặng.

Nguyên tắc điều trị:

Tiêu chảy cấp do vi rút Rota điều trị bằng kháng sinh không hiệu quả. Ở thể nhẹ không có biến chứng, bệnh thường tự khỏi sau 3 đến 4 ngày. Việc điều trị chủ yếu là phòng biến chứng: bù nước và chất điện giải khi trẻ bị mất nước. Đối với trẻ bị bệnh nhẹ, sau khi đưa trẻ đến khám ở các cơ sở y tế, có thể để trẻ ở nhà và chăm sóc theo sự hướng dẫn của thầy thuốc. Đặc biệt chú ý các điểm sau:

– Cho trẻ uống nhiều nước hơn bình thường. Có thể dùng nước đun sôi để nguội, nước canh rau, nước khoáng (không có gas), hoặc cho trẻ uống Oresol theo hướng dẫn của thầy thuốc.

– Cho trẻ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng như bình thường, phù hợp theo lứa tuổi. Tiếp tục cho trẻ bú mẹ, nếu trẻ bú bình cần vệ sinh bình, núm vú và dụng cụ pha sữa kỹ hơn.

– Tuyệt đối không dùng thuốc cầm tiêu chảy cho trẻ vì các thuốc này có thể làm giảm nhu động ruột làm liệt ruột khiến phân không thải được ra ngoài.

Biện pháp dự phòng:

– Vệ sinh nguồn nước, ăn uống theo các quy định của vệ sinh an toàn thực phẩm như không ăn các loại thịt/ cá sống hoặc chưa nấu chín, rửa sạch rau quả trước khi ăn; Rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi ho, hắt hơi, xì mũi, sau khi chạm vào thú nuôi, động vật, sau khi đi học, đi chơi về nhà… Vệ sinh dụng cụ dùng cho trẻ em ăn (đặc biệt trẻ dưới 6 tháng tuổi), người mẹ phải giữ gìn vệ sinh tốt trong thời kỳ cho con bú.

– Vệ sinh phòng dịch: Sát khuẩn, tẩy uế những chất thải và đồ dùng có liên quan đến bệnh nhân. Quản lý phân, xử lý phân thật tốt (dùng hố xí tự hoại, hố xí hai ngăn), không dùng phân tươi bón cây cối, hoa quả.

CAC BUOC RUA TAY DUNG CACH(1)

Các bước rửa tay cho trẻ em và cả người lớn

– Quan trọng nhất là chủ động phòng bệnh: Tất cả trẻ em cần được uống dự phòng (hai hoặc ba lần) vắc xin ngừa Rotavirus theo chỉ định của bác sĩ (tùy theo thông tin kê toa của mỗi công ty sản xuất ngay từ 06 tuần tuổi và kết thúc trước 08 tháng tuổi)./.

Nguồn: http://yte.daklak.gov.vn/ASPX/TinTuc_ChiTiet.aspx?iDV=1&id=85833

TIN TỨC NỔI BẬT