Bệnh nhân Nguyễn Thị L, 68 tuổi, địa chỉ: Tân Bình – Đăk Sắc – Đăk Mil – Đăk Nông. Vào viện lúc 10h00 ngày 28/02/2017 với lý do: đau bụng dữ dội, mãn kinh 17 năm. Bệnh nhân nhập vào Khoa Phụ Sản – BVĐK Thiện Hạnh, được nhận định là một trường hợp nặng, khối u hạ vị rất to (to bằng thai 4 tháng), khối u to chèn ép gây đau đớn cho bệnh nhân. Ngay lúc đó, các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn, kết hợp siêu âm doppler, chụp CT scan, xét nhiệm sinh hóa, đông cầm máu và CA 125, …. Chuẩn đoán trước mổ: khối u buồng trứng lớn biến chứng – mãn kinh 17 năm. Bệnh nhân được tiến hành phẫu thuật mở bụng lấy nguyên vẹn khối u buồng trứng cân nặng 1700 gram. Khối u được chuyển xuống Bệnh viện Ung Bướu Thành Phố Hồ Chí Minh để xét nghiệm giải phẫu bệnh lý. Sau mổ ngày thứ 6 bệnh nhân dần ổn định và đã xuất viện. Khi có kết quả giải phẫu bệnh, các bác sĩ sẽ tư vấn cho bệnh nhân và gia đình chi tiết.
Tuổi mãn kinh: Phụ nữ Việt Nam tuổi mãn kinh trung bình khoảng từ 48 đến 55 tuổi. Thời kỳ này và thời kỳ hậu mãn kinh cơ thể người phụ nữ có nhiều biến đổi nhất và cũng là thời kỳ khởi phát nhiều bệnh tật nhất. Buồng trứng đã suy giảm, nội tiết phụ nữ cũng suy giảm, do vậy cơ thể bắt đầu suy yếu, bệnh tật bùng phát: Loãng xương, đái đường, đột qụy, són tiểu, sa dạ con (sa tạng chậu), … đặc biệt là khối u như u buồng trứng, u tử cung, thường các khối u này nguy cơ ung thư hoá rất cao. Tỷ lệ ung thư buồng trứng tuổi mãn kinh chiếm 70%, ung thư nội mạc tử cung 12%, ngoài ra tỷ lệ ung thư thân tử cung chiếm 40,4%. Việc điều trị thường gặp khó khăn do sức khỏe kém, khối u lớn, nên thường buộc phải mổ bụng để lấy nguyên khối u, không thể phẫu thuật nội soi được, gây đau đớn và hiệu quả điều trị thường không cao, đôi khi ung thư giai đoạn muộn mất hết khả năng can thiệp y tế.
Khuyến cáo: Các bà, các mẹ, các chị quanh tuổi mãn kinh cần đặc biệt quan tâm để bảo vệ tốt chất lượng sống của bản thân và gia đình. Cần phải đăng ký khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt khám phụ khoa định kỳ 6 tháng một lần, nhằm kiểm soát són tiểu, sa dạ con, khối u phụ khoa…, đặc biệt tầm soát ung thư cổ tử cung, ung thư nội mạc tử cung, ung thư buồng trứng, ung thư vú. Việc tầm soát thì nên đến các cơ sở y tế có đủ máy móc chuyên dụng để sàng lọc như: HPV DNA, pap Liqui-Prep, nhũ ảnh, CA 125, CT, MRI, sinh thiết, soi cổ tử cung… và tư vấn bởi các Bác sĩ phụ khoa, phát hiện sớm bệnh để được điều trị sớm và hiệu quả.