17 Nguyễn Chí Thanh, P. Tân An, Tp. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk.

0262 3 950 606 – 115

0262 3 950 606

Các biện pháp phòng ngừa bệnh truyền nhiễm hiệu quả

Thời gian gần đây liên tục xuất hiện các bệnh truyền nhiễm với khả năng lây lan thành các đợt dịch lớn gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng của con người, điển hình như bệnh Covid-19, sốt xuất huyết, viêm màng não, bạch hầu, tay chân miệng… Tuy nhiên, chúng ta có thể phòng tránh được các bệnh truyền nhiễm một cách hiệu quả bằng rất nhiều biện pháp.

IMG_1005

Thường xuyên dọn vệ sinh môi trường để loại bỏ chỗ đẻ trứng của muỗi nhằm phòng bệnh sốt xuất huyết

Bệnh truyền nhiễm hay còn gọi là bệnh lây. Bệnh do vi sinh vật như vi rus, vi khuẩn, vi nấm, các loại giun sán, ký sinh đơn bào gây ra. Bệnh có khả năng lây truyền trong cộng đồng bằng nhiều con đường khác nhau như lây qua đường hô hấp, lây qua đường tiêu hóa, lây qua đường tình dục, tiêm chích, truyền máu, lây qua các vết đốt của côn trùng, lây qua vết cắn của động vật như chó mèo, chuột hoặc lây truyền từ mẹ sang con trong quá trình mang thai… Bệnh truyền nhiễm thường diễn biến theo các giai đoạn ủ bệnh, khởi phát, toàn phát, lui bệnh và hồi phục. Khi  xâm nhập vào cơ thể, các tác nhân vi sinh sẽ nhân bản trong cơ thể, tiết ra độc tố làm rối loạn chức năng của các cơ quan và gây bệnh. Mỗi bệnh truyền nhiễm sẽ có dấu hiệu và triệu chứng khác nhau. Tùy vào độc tố của tác nhân gây bệnh và sức đề kháng của từng cơ thể mà biểu hiện bệnh của mỗi người cũng khác nhau. Nhiều bệnh truyền nhiễm có thể tự khỏi sau một thời gian khi cơ thể sản sinh các cơ chế miễn dịch loại bỏ các tác nhân gây bệnh như sởi, quai bị… Tuy nhiên, một số bệnh truyền nhiễm khi xâm nhập vào cơ thể nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời sẽ để lại di chứng nặng nề hoặc gây tử vong cho người bệnh như viêm màng não, bạch hầu, covid-19…

Theo bác sĩ Lê Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Lắk: Bệnh truyền nhiễm mặc dù rất nguy hiểm nhưng chúng ta có thể phòng tránh bằng cách thực hiện các biện pháp phòng và cắt đứt nguồn lây của bệnh. Cụ thể, chúng ta có thể tạo ra sự miễn dịch chủ động cho cơ thể bằng cách tiêm vắc xin phòng bệnh đối với một số bệnh đã có vắc xin. Khi tỷ lệ người tiêm vắc xin càng cao, số người có miễn dịch trong cộng đồng càng lớn và bệnh sẽ càng khó lây truyền. Ngoài ra, cần giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay hằng ngày trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, rửa tay đúng cách, đặc biệt nên đeo khẩu trang khi giao tiếp, ngủ màn. Thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm, ăn chín uống sôi, lựa chọn thực phẩm sạch, có nguồn gốc rõ ràng. Thường xuyên vệ sinh môi trường nhằm loại bỏ chỗ sinh sản của ruồi, muỗi, gián, chuột… Cần thu gom và xử lý rác thải, xử lý các chất thải của người và động vật hợp vệ sinh. Ngoài ra cần sống lành mạnh, thường xuyên luyện tập thể dục thể thao nâng cao sức khỏe và quan hệ tình dục an toàn giúp ngăn ngừa các bệnh lây qua đường tình dục.

“Khi thấy bản thân có các dấu hiệu biểu hiện của bệnh truyền nhiễm hoặc nghi ngờ mình mắc bệnh thì người dân cần đến ngay các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời tránh để bệnh diễn biến nặng, đồng thời góp phần làm giảm sự lây truyền bệnh ra cộng đồng”, bác sĩ Lê Phúc nhấn mạnh.

Nguồn: http://yte.daklak.gov.vn/ASPX/TinTuc_ChiTiet.aspx?iDV=1&id=75172

TIN TỨC NỔI BẬT