Suy thận là trạng thái suy giảm chức năng của thận, chủ yếu là chức năng bài tiết chất thải của cơ thể sau quá trình chuyển hóa. Ngoài ra, đối với nhiều trường hợp suy thận, đặc biệt là suy thận mạn, các chức năng khác của thận bị suy giảm nghiêm trọng như điều hòa dịch, điện giải, toan kiềm, kích thích tạo máu, tổng hợp vitamin D… Vậy suy giảm chức năng thận dễ gặp ở đối tượng nào, nguyên nhân do đâu?
Lạm dụng thuốc
Những đối tượng dễ bị suy giảm chức năng thận là những người lạm dụng thuốc điều trị, thuốc bổ. Bởi một lý do nào đó, trong cơ thể yếu, hay lo nghĩ về bệnh tật quá mức nhưng lại e ngại không đi khám nên nhiều người thường có xu hướng sử dụng các loại thuốc bổ để nâng cao sức đề kháng, cải thiện thể chất. Ngoài ra, những người thường xuyên sử dụng các loại thuốc để điều trị bệnh mà không tuân thủ chỉ định của bác sĩ gây suy giảm sức đề kháng tự nhiên, gây ra hiện tượng nhờn thuốc. Ở một khía cạnh khác, những người mắc bệnh bẩm sinh, mạn tính cũng cần uống thuốc điều trị theo đơn, những thuốc chữa bệnh có thể gây nhiều tác dụng không mong muốn… Các nghiên cứu cho thấy, nếu như quá lạm dụng thuốc sẽ rất hại đến thận. Việc dùng đúng sẽ phát huy hết hiệu quả, nếu dùng sai thì sẽ ảnh hưởng đến thận và các hệ cơ quan khác trong cơ thể.
Thói quen uống nước ngọt có gas khiến nhiều người bị suy thận
Ăn nhiều muối, uống bia rượu, nước có ga…
Nhiều người khi nấu ăn cho thêm mắm, muối và gia vị vào món ăn, dùng muối và nước mắm làm đồ chấm. Thói quen này khiến cho lượng muối tiêu thụ hàng ngày trong gia đình quá thừa so với chuẩn. Thực tế, lượng muối với thành phần quá nhiều natri vào cơ thể làm tăng nguy cơ bệnh tim, tăng huyết áp, biến chứng thận… Nếu ăn bình thường, nước tiểu sẽ được đào thải ra ngoài. Nhưng do ăn mặn, không chỉ nước ở cơ thể bị huy động bù vào mà ngay cả nước tiểu này cũng bị hấp thu lại dẫn đến những nguy cơ rối loạn thận, tích lũy chất độc…
Uống nhiều rượu bia có thể kích thích bệnh gan phát triển và dẫn đến bệnh thận. Đặc biệt, khi gan bị suy yếu chức năng do tiêu thụ đồ uống có cồn sẽ dẫn đến chức năng thận bị suy yếu nhằm cân bằng lượng máu trong cơ thể và nếu thận không thể lọc máu đúng cách, sẽ gây rối loạn chức năng. Những trường hợp bệnh nhân bị ngộ độc rượu có thể bị vô niệu do hoại tử ống thận cấp, nguy hiểm hơn có thể gây ra tình trạng suy thận.
Nhiều người cho rằng đồ uống có gas, nước ngọt không gây hại cho sức khỏe. Tuy nhiên, thói quen uống nước ngọt hay nước có gas lại chính là một trong những thói quen xấu khiến nhiều người bị suy thận. Thói quen uống nước ngọt và nước uống có gas cũng là thói quen gây ảnh hưởng đến lượng axit uric trong cơ thể. Điều này xảy ra do nước ngọt thường được sản xuất chứa một lượng đường fructose, khi lượng đường này đi vào cơ thể cũng có thể gây cản trở nghiêm trọng ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa và phân hủy purin. Đây là nguyên nhân khiến lượng axit uric trong cơ thể tích tụ nhiều hơn.
Ngoài ra, do tính chất công việc nên hiện nay nhiều bạn trẻ rất lười uống nước. Thậm chí có người còn không uống nước vì ngại phải đi vệ sinh hoặc đôi khi còn nhịn tiểu. Thói quen này được lặp đi lặp lại sẽ dẫn đến tình trạng cơ thể không đủ nước, chức năng bài tiết của thận bị suy giảm. Việc nhịn tiểu cũng sẽ tạo ra một áp lực lớn lên thận và bàng quang, gây ra những bệnh lý ở các bộ phận này.
Lời khuyên của thầy thuốc
Để phòng suy giảm chức năng thận nên uống đủ lượng nước cần thiết mỗi ngày (từ 1,5-2 lít nước) để hỗ trợ cho chức năng bài tiết của thận. Không ăn quá mặn, chỉ nên cung cấp cho cơ thể 5-6g muối mỗi/ngày, số muối này là tính trên tổng lượng thức ăn mỗi ngày chứ không phải là số lượng được nêm nếm. Hạn chế rượu, bia. Không tự ý dùng thuốc khi không có chỉ định của y bác sĩ. Nếu có bệnh mạn tính như: tăng huyết áp, mỡ máu, đái tháo đường cần thường xuyên kiểm tra định kỳ để được tư vấn và điều trị.
Theo: https://suckhoedoisong.vn/truong-hop-de-bi-suy-giam-chuc-nang-than-n194513.html