17 Nguyễn Chí Thanh, P. Tân An, Tp. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk.

Phòng ngừa biến chứng do viêm mũi dị ứng

Giao mùa, khí hậu thất thường, kèm các yếu tố môi trường không thuận lợi nên bệnh viêm mũi dị ứng gia tăng nhanh. Viêm mũi dị ứng có thể gây những biến chứng rất đáng ngại.
Viêm mũi dị ứng (VMDƯ) là phản ứng quá mức của cơ thể, xảy ra khi hít phải tác nhân trong không khí. Bình thường khi gặp vật lạ, cơ thể sẽ có những phản ứng nhằm mục đích bảo vệ. Tuy nhiên nếu phản ứng xảy ra quá mức, gây ra những tổn hại cho cơ thể thì gọi là phản ứng dị ứng. Số bệnh nhân VMDƯ đang có khuynh hướng tăng dần trong các năm gần đây. Người bị VMDƯ có thể sống một thời gian dài mà không có biểu hiện nào của bệnh. Tuy nhiên các triệu chứng dị ứng sẽ xuất hiện khi có một số yếu tố thuận lợi như tiếp xúc quá lâu với các tác nguyên gây dị ứng, tinh thần căng thẳng, stress, yếu tố nội tiết (phụ nữ thời kỳ kinh nguyệt, tiền mãn kinh). Các loại dị nguyên gây VMDƯ là: phấn hoa, bụi nhà, nấm mốc, bụi khói công nghiệp, lông thú chó, mèo, ngựa, các loại hóa chất. Những chất lạ trong thức ăn như sữa, trứng, các loại đậu, hải sản, các loại thuốc kháng sinh, xà phòng, chất tẩy rửa… đều có thể gây dị ứng. Cha mẹ bị dị ứng có tỷ lệ con bị VMDƯ cao.

9_resize

Tác nhân và triệu chứng gây viêm mũi dị ứng

Dấu hiệu điển hình của VMDƯ
Ngứa mũi, liên tục chảy chất nhầy từ mũi là dấu hiệu điển hình nhất. Cơn ngứa mũi thường xuất hiện sớm, nhất là ở trẻ em. Đôi khi, người bệnh ngứa cả mũi, mắt, họng hoặc cả ngoài da vùng cổ, da ống tai ngoài. Chảy nước mũi thường đi kèm với hắt hơi hoặc sau hắt hơi. Những cơn hắt hơi mang tính đột ngột, nhiều lần, hắt hơi liên tục, kéo dài nhiều phút và thường xuyên tái phát trong đợt dị ứng. Người bệnh bị chảy cả hai bên mũi, nước mũi có màu trong suốt, loãng, không có mùi, do chảy nhiều nước mũi và sự phù nề của niêm mạc làm cho ngạt mũi, có khi ngạt hoàn toàn cả hai bên mũi. Người bệnh phải thở bằng miệng gây viêm họng, khô họng, viêm thanh quản. Bệnh nhân có thể bị chảy mũi sau họng, gây khịt mũi, hắng giọng và ho.
VMDƯ khiến người bệnh bị nhức đầu, mệt mỏi, uể oải, giảm khả năng lao động chân tay, trí não. Một số trường hợp của đau ở vùng mũi, vùng xoang mặt và kèm theo cả rối loạn vận mạch vùng mặt. Mí mắt thường bị sưng nề, quầng thâm.

10_resize

Khi có triệu chứng VMDƯ, cần đi khám sớm để điều trị kịp thời tránh biến chứng

Biến chứng của VMDƯ
VMDƯ nếu không điều trị đúng cách có thể dẫn đến các biến chứng như: viêm xoang cấp và mạn tính do ứ đọng dịch tiết tạo thành các ổ viêm, tắc các lỗ thông xoang. Do viêm nhiễm ở niêm mạc mũi và xoang mũi, tạo điều kiện vi khuẩn xâm nhập gây viêm họng, viêm thanh quản, viêm tai giữa. Do ngạt mũi, tắc mũi khiến người bệnh khó ngủ, chất lượng giấc ngủ kém, mệt mỏi, ảnh hưởng đến sinh hoạt và lao động… Ngoài ra, khi bị VMDƯ, nhiều người không chỉ ngứa mũi mà còn bị ngứa cả mắt, đỏ mắt và chảy nước mắt dễ nhầm với bệnh viêm kết mạc hoặc do bệnh nhân gãi và dụi mắt nhiều có thể gây xước giác mạc, ảnh hưởng đến thị giác của người bệnh. Ở trẻ em, VMDƯ thường gây ra viêm tai giữa.

Đặc biệt, do cùng nằm trong chứng bệnh dị ứng, nên VMDƯ có liên quan mật thiết với bệnh hen suyễn. Người bị VMDƯ có nguy cơ bị hen gấp 3 lần người bình thường. Do người bị VMDƯ thường chuyển từ thở mũi sang thở miệng, gây ảnh hưởng đường thở, từ đó dễ dẫn đến bệnh hen. Các yếu tố gây VMDƯ cũng thường là các yếu tố gây khởi phát cơn hen. Do đó, ở những bệnh nhân VMDƯ kéo dài sẽ có nguy cơ cao mắc hen hơn người bình thường và đối với bệnh nhân hen bị VMDƯ nếu không điều trị tốt thì các cơn hen sẽ bùng phát nặng hơn, nhất là khi chuyển mùa.

Cách phòng bệnh
Cách phòng bệnh tốt nhất là tránh tác nhân gây dị ứng như: bụi, khí thải, vi khuẩn, nấm mốc, khói thuốc lá, hóa chất… Cần tránh và hạn chế sự xâm nhập của các yếu tố này bằng cách sử dụng khẩu trang hoạt tính khi làm việc trong môi trường độc hại, ô nhiễm khi đi ra ngoài đường. Giữ nhà ở khô sạch, thoáng khí, hút bụi thường xuyên, không nuôi chó mèo, diệt chuột, gián.

Vì vậy cần vệ sinh họng, răng, miệng thật tốt. Khi bị viêm xoang, viêm mũi có thể xông mũi bằng nước ấm, nước muối hoặc nước có pha một chút tinh dầu bạc hà giúp thông mũi. Dùng nước muối sinh lý thường xuyên để rửa mũi, làm sạch niêm mạc mũi. Khi bị viêm họng, viêm amidan, sâu răng, viêm chân răng, viêm lợi… cần phải khám và điều trị dứt điểm để tránh bệnh trở thành mạn tính. Không lạm dụng thuốc nhỏ mũi, xịt mũi vì có thể bị lệ thuộc, gây nhờn thuốc, giảm hiệu quả điều trị.

Theo: https://suckhoedoisong.vn/phong-ngua-bien-chung-do-viem-mui-di-ung-n181589.html

 

TIN TỨC NỔI BẬT