17 Nguyễn Chí Thanh, P. Tân An, Tp. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk.

Nước – uống bao nhiêu là đủ?

Chúng ta thường xuyên nhận được những lời khuyên kiểu như: uống vài lít nước mỗi ngày để có sức khỏe tốt, tràn đầy năng lượng, có làn da mịn màng, rằng uống nhiều nước sẽ giúp giảm cân, tránh ung thư… Vậy bạn nên uống bao nhiêu nước mỗi ngày?
Tầm quan trọng của nước đối với cơ thể

Nước chiếm khoảng 2/3 trọng lượng cơ thể chúng ta, nước mang chất dinh dưỡng và hỗ trợ đào thải chất độc, điều chỉnh thân nhiệt, hoạt động như một chất bôi trơn và giảm xóc trong khớp xương, đồng thời đóng vai trò trong hầu hết các trao đổi chất xảy ra trong cơ thể chúng ta. Hàng ngày, cơ thể chúng ta không ngừng mất nước qua mồ hôi, hơi thở và nước tiểu. Nên việc đảm bảo cho cơ thể có đủ nước là một sự cân bằng tốt và tránh mất nước là điều quan trọng, nhất là trong những ngày thời tiết oi bức, nắng nóng.

Theo các nhà chuyên môn, sẽ bị coi là mất nước khi bị tiêu hao từ 1-2% lượng nước trong cơ thể và tiếp tục bị tiêu hao cho đến khi ta nạp chất lỏng vào. Một số trường hợp hiếm gặp, tình trạng mất nước có thể gây tử vong. Sự kiểm soát của quá trình dung nạp nước là một trong những khâu tinh vi nhất mà loài người đã phát triển trong quá trình tiến hóa. Trong một cơ thể khỏe mạnh, não phát hiện ngay khi cơ thể bắt đầu cần nước và chúng ta sẽ có cảm giác khát để kích thích uống vào. Cơ thể cũng đồng thời tiết ra một loại hormon báo hiệu cho thận để dành nước bằng cách hấp thụ lại nước trong nước tiểu.

Dấu hiệu cơ thể mất nước là gì?
Theo Cơ quan Y tế Anh (NHS), các triệu chứng mất nước bao gồm nước tiểu màu vàng sẫm; cảm thấy mệt mỏi, đầu óc lơ mơ hoặc chóng mặt; khô miệng, khô mắt và khô môi; đi tiểu ít hơn bốn lần một ngày. Dấu hiệu dễ nhận biết nhất là gì? Nó rất đơn giản, đó chính là việc bạn cảm thấy khát nước.

uong-nuoc-loc

Nên uống 6-8 ly nước mỗi ngày

Uống nước để đảm bảo sức khỏe

Không có bằng chứng cho thấy việc uống nước nhiều hơn nhu cầu của cơ thể sẽ mang lại lợi ích gì khác ngoại trừ việc tránh mất nước. Nhưng các nghiên cứu cho thấy việc tránh để rơi vào giai đoạn đầu của tình trạng mất nước sẽ đem đến một số lợi ích quan trọng. Việc uống đủ để tránh mất nước nhẹ giúp hỗ trợ chức năng hoạt động của não và cải thiện khả năng thực hiện các nhiệm vụ cụ thể, như giải quyết các vấn đề vướng mắc.

Uống quá nhiều nước có tốt không?
Nếu bạn đang uống 8 ly nước mỗi ngày thì cứ yên tâm, vì không gây hại gì cho cơ thể đâu. Thế nhưng quan niệm cho rằng chúng ta cần uống nhiều nước hơn so với nhu cầu cơ thể thì có thể dẫn đến tình trạng nguy hiểm. Vì thừa nước làm loãng natri trong máu, sẽ gây ra phù não và sưng phổi. Trong một thập kỷ vừa qua, ít nhất có 15 trường hợp vận động viên đã tử vong do uống quá nhiều nước khi tham gia các sự kiện thể thao. Có thể ở những trường hợp này một phần là do không tin tưởng vào cơ chế báo hiệu khát của chính cơ thể mình và cho rằng cần phải uống nhiều hơn so với nhu cầu của cơ thể.

Uống bao nhiêu nước là đủ?
Với suy nghĩ là phải liên tục duy trì lượng nước trong cơ thể đã khiến nhiều người mang theo nước mọi lúc mọi nơi và uống nhiều hơn mức cơ thể đòi hỏi. Cơ quan Y tế của Anh khuyên: Nên uống từ 6 – 8 ly nước mỗi ngày, trong đó bao gồm sữa ít béo và đồ uống không đường, tính gồm cả trà và cà phê (1 ly khoảng 240ml, tương đương 1,6 – 2 lít/ngày). Còn những ai thích uống theo cảm giác khát thì nên nhớ: Khi chúng ta có tuổi (trên 60 tuổi), cơ chế cảnh báo cơn khát tự nhiên của cơ thể trở nên kém nhạy cảm hơn và dễ bị mất nước hơn so những người trẻ. Vì vậy, khi già đi, chúng ta có thể cần phải chú ý hơn đến thói quen nạp chất lỏng để giữ cho cơ thể đủ nước. Hơn nữa, các chuyên gia đều đồng ý rằng: nhu cầu về chất lỏng ở mỗi người là khác nhau tùy thuộc vào độ tuổi, kích thước cơ thể, giới tính, môi trường và mức độ hoạt động thể chất riêng của người đó.

Các chuyên gia khuyến cáo rằng chúng ta không cần phải quá lo lắng về việc cần uống đủ một lượng nước nhất định mỗi ngày: Cơ thể sẽ lên tiếng báo hiệu “khát” khi thiếu nước, tương tự như khi chúng ta có cảm giác đói hoặc mệt vậy.

Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/nuoc-uong-bao-nhieu-la-du-n159611.html

TIN TỨC NỔI BẬT