Chưa đầy 2 tháng sau khi được Sở Y tế Đăk Lăk chấp thuận chương trình chuyển giao công nghệ điều trị đục thủy tinh thể bằng phương pháp Phaco – kỹ thuật điều trị bệnh về mắt tiên tiến nhất hiện nay cho Thiện Hạnh, Bác sĩ CKII Nguyễn Xuân Vũ, trưởng Khu điều trị mắt Kỹ thuật cao Ngô Quyền (Quận 5 TP Hồ Chí Minh) đã lên Buôn Ma Thuột thực hiện 3 đợt mổ Phaco cho 35 bệnh nhân, trong đó đợt đầu mổ 21 ca hoàn toàn miễn phí cho người nghèo, 9 ca dịch vụ còn lại mỗi bệnh nhân chỉ phải trả trọn gói từ 4-5 triệu đồng, thời gian nhập xuất viện trong 1 buổi.
Đây quả là tin vui với hàng ngàn bệnh nhân về mắt đang còn chờ được điều trị tại địa phương, bởi trước đây để được chữa Phaco (nhanh, gọn, không đau, an toàn, xác suất thành công trên 90%), họ không có cách nào khác là phải xuống tận TP Hồ Chí Minh.
Sau đó lại còn phải định kỳ tái khám hàng tháng tại chính bệnh viện đã mổ. Bác sĩ Vũ khẳng định với sự hợp tác hữu hảo hiện nay, quy trình chuyển giao công nghệ sẽ hoàn tất trong 6 tháng và từ sau tháng 6/2006, các bác sĩ chuyên khoa Mắt của Thiện Hạnh đủ khả năng đảm nhiệm tốt việc chữa các bệnh cườm, cận bằng kỹ thuật Phaco.
… Đến những nụ cười sản phụ đẻ không đau
Đẻ không đau bằng phương pháp gây tê ngoài màng cứng là kỹ thuật đã được các nước tiên tiến trên thế giới thực hiện từ hơn nửa thế kỷ qua. Tại nước ta, dù BV Hùng Vương (TP HCM) đã đi đầu trong việc giúp sản phụ đẻ không đau từ năm 1987, tới nay số BV chính thức triển khai dịch vụ này vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Chính vì vậy, khi biết có thể được “đẻ không đau” tại Thiện Hạnh, nhiều sản phụ đã vui mừng đăng ký, trong đó phần lớn là các bà mẹ sinh lần thứ 2 hoặc quá yếu, khó chịu đựng trọn cơn chuyển dạ đau đớn theo cách sinh thông thường.
Tiếng lành đồn xa, ngày càng có nhiều đức ông chồng đưa vợ tìm đến dịch vụ “đẻ không đau” tại Thiện Hạnh. Tại Hội nghị khoa học Viện- Trường Tây Nguyên- Khánh Hòa tháng 11/2005, trong hơn 200 đề tài đăng ký tham gia chỉ có 1 tham luận thuộc về khoa Sản, chính là đề tài ứng dụng kỹ thuật “đẻ không đau” của BV Thiện Hạnh, được khuyến khích nên tiếp tục nhân rộng.
Sáng 21/2, tôi có dịp tiếp xúc với mấy sản phụ “đẻ không đau” tại Thiện Hạnh. Trên bàn chờ sinh là chị Yến đến từ xã Ea Yông, huyện Krông Păk, chuyển dạ từ 4 giờ sáng cùng ngày.
Chị vẫn bình thản trả lời các câu hỏi của tôi trong lúc thuốc tê nồng độ thấp đang được bác sĩ chăm chú tiêm chuyền qua ống nhựa vào khoang ngoài màng cứng sống lưng. Trong phòng hậu sản, chị Hảo đến từ xã Ea Hu, huyện Krông Ana mừng vui ngắm em bé vừa chào đời bình yên lúc 2 giờ rưỡi sáng.
Hảo kể: “Em yếu quá, mang bầu đủ ngày tháng vẫn chỉ nặng có 42 ký, chuyển dạ 1 ngày 2 đêm đau dữ dội mà không rặn nổi, may tới đây bác sĩ còn kịp giúp sinh không đau”.
Chồng chị Cúc nhà ở xã Ea Lê, huyện Ea Súp thì thật thà khoe: “Lần trước vợ tui chuyển dạ suốt 1 ngày đêm, la lối dữ dội làm tui phát đau lây. Lần này nghe hàng xóm bày ra Thiện Hạnh đẻ không đau, tui hết bị hành, mừng quá”.
Không ít người vẫn luôn khẳng định rằng một trong những giải pháp làm trong sạch ngành y tế, giảm bớt gánh nặng ngân sách hữu hiệu nhất, là nhanh chóng giảm thiểu cơ chế bao cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho ngày càng nhiều bệnh viện tư ra đời. Hoạt động hiệu quả của Thiện Hạnh minh chứng rõ điều đó.