BỆNH VIỆN ĐA KHOA THIỆN HẠNH
Cùng bạn chăm lo sức khỏe

Thuyên tắc ối: Biến chứng sản khoa nguy hiểm

Thuyên tắc ối là biến chứng đáng sợ nhất trong sản khoa, bởi nó diễn tiến nhanh, rất bất ngờ, không thể dự phòng và 50% bị tử vong do suy hô hấp, trụy tuần hoàn, rối loạn đông máu, dẫn đến chảy máu không cầm được, tử vong trong tích tắc…

Nhiều trường hợp, mẹ sinh con khỏe mạnh nhưng chỉ vài phút sau có thể vĩnh viễn không gặp được con do bị thuyên tắc ối. Đây là biến chứng sản khoa cực kỳ nguy hiểm với bà bầu.

Chung sức cứu sản phụ bị thuyên tắc ối nguy kịch

Tháng 12/2019, sản phụ M.T.Y. (32 tuổi, Hà Nội) đến BV TWQĐ 108 sinh con thứ 3, thai 40 tuần chuyển dạ. Sản phụ được theo dõi đẻ thường. Đang trong quá trình rặn đẻ đột nhiên sản phụ thấy khó thở tức ngực rồi đột ngột mất ý thức khi thai nhi chỉ vừa mới sổ được đầu, em bé đã nhanh chóng được cắt rốn hồi sức cơ bản thở oxy, dấu hiệu sinh tồn tốt. Sản phụ Sau đó tự tỉnh lại nhưng tình trạng suy sụp hô hấp và tuần hoàn một cách nhanh chóng, máu đen từ tử cung chảy ồ ạt. Lập tức Bs trực chẩn đoán BN bị tắc mạch ối, tiên lượng rất nặng, làm kịp thời các xét nghiệm đánh giá kịp thời. Kíp bác sĩ đã báo động đỏ nội viện.

Bệnh nhân lên phòng mổ trong tình trạng lơ mơ, G:9-10đ, đồng tử hai ben 1,5 mm, PXAS (+), da niêm mạc nhợt, mạch 150l/phút, HA: 45/24mmHg. Xét nghiệm chức năng đông chảy máu rối loạn nghiêm trọng: D Dimer 244788ng/mL ( tăng gấp 400 lần), tiểu cầu tụt thấp: 44G/L, fibrinogen: 1,42 g/L. BS Trần Minh Trang, khoa Phụ sản cùng khoa gây mê hồi sức đã tích cực hồi sức tim phổi. Sau hơn 2 giờ cầm máu sản phụ mới qua cơn nguy kịch nhờ đặt tĩnh mạch cảnh ngoài trái, bù dịch máu, thuốc vận mạch, đặt huyết áp xâm lấn động mạch quay phải, theo dõi huyết áp liên tục trong mổ; cân bằng toan kiềm, bù huyết tương tươi, tiểu cầu, duy trì mê,…

Bệnh nhân nằm hồi sức tích cực được phối hợp theo dõi điều trị ổn định hồi phục dần và ra viện sau 2 tuần, bé gái được 3600g, khỏe mạnh hồng hào bú tốt.

Một số bệnh viện ở các địa phương cũng từng gặp sản phụ bị thuyên tắc ối, có nơi cứu được, có nơi không kịp cứu, có nơi người nhà không biết gì về biến chứng sản khoa này nên đã làm ầm lên bởi “sao sản phụ và con khỏe mạnh thế mà sinh xong lại chết?”.

Thảm họa sản khoa xảy ra đột ngột không có triệu chứng báo trước

Theo y khoa, bệnh thuyên tắc ối (hội chứng giống shock phản vệ ở người mang thai) là tình trạng nước ối, tế bào thai nhi, tóc hoặc các mảnh vụn khác xâm nhập vào máu của mẹ qua đường nhau thai ở tử cung, gây ra phản ứng giống dị ứng, làm suy tim phổi cấp và xuất huyết nghiêm trọng (rối loạn đông máu).

Thuyên tắc ối là biến chứng đáng sợ nhất trong sản khoa. Theo giải thích của bác sĩ BSCKII Nguyễn Thanh Hà, khoa Phụ sản thuyên tắc ối là một trong những tai biến trong sản khoa hiếm gặp, nhưng vô cùng nguy hiểm do nước ối chảy vào tĩnh mạch, vào tim, phổi, lên não, gây suy hô hấp cấp… khiến bệnh nhân bị đột ngột tím tái, trụy tim mạch, rối loạn đông máu… và gặp nguy hiểm cao hơn nếu sản phụ mắc đái tháo đường.

Theo tài liệu của Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh Thành phố Hồ Chí Minh, cuốn Y học sinh sản (tập 51), thuyên tắc ối thường xảy ra ở giai đoạn cuối của cuộc chuyển dạ, dấu hiệu là sản phụ đột ngột khó thở, da xanh tái xảy ra trong vòng một vài phút đầu tiên, nhanh chóng kéo tụt huyết áp, phù phổi, sốc, lú lẫn, mất ý thức, co giật, hôn mê… Đa số bị ngưng tim phổi trong những phút đầu tiên, sau đó là rối loạn đông máu, đờ tử cung.

Y khoa coi thuyên tắc ối là một thảm họa sản khoa, xảy ra đột ngột không có triệu chứng báo trước vào thời điểm chuyển dạ, hoặc ngay lập tức sau sinh. Nếu xảy ra thuyên tắc ối có tới 50% sản phụ sẽ chết trong giờ đầu khi khởi phát triệu chứng và trong số sống sót sau 1 giờ thì phần lớn để lại di chứng thần kinh nặng nề.

Sản phụ nào có nguy cơ bị thuyên tắc ối?

Tất cả các độ tuổi đều có thể bị thuyên tắc ối xảy ra trước, trong và ngay sau khi sinh. Việc nạo hút thai, truyền dịch ối, hay chấn thương bụng… cũng có thể xảy ra. Y khoa ghi nhận các sản phụ thuyên tắc ối có một vài đặc điểm như: thai nhi lớn, thai quá ngày, hốt hoảng, lo lắng, than lạnh, khó thở và nôn mửa.

Ngoài ra, những trường hợp đa thai, khó sinh làm tổn thương cổ tử cung tạo điều kiện cho nước ối xâm nhập vào hệ thống mạch máu của mẹ dẫn đến thuyên tắc ối. Các chuyên gia cho rằng thuyên tắc ối là kết quả do dịch nước ối vào tĩnh mạch tử cung và điều này xảy ra khi có 3 điều kiện: Vỡ màng ối, vỡ tĩnh mạch của tử cung hay cổ tử cung, áp lực buồng tử cung cao.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc thuyên tắc ối có thể bao gồm:

  • Mẹ bầu tuổi cao: Nếu sinh con khi trên 35 tuổi thì sẽ có nguy cơ bị bệnh thuyên tắc ối;
  • Đa sản, đẻ nhiều lần, đa thai
  • Bất thường nhau thai: Nếu có cấu trúc phát triển bất thường trong tử cung khi mang thai sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh thuyên tắc ối;
  • Tiền sản giật: Nếu mắc tiền sản giật – huyết áp cao và protein nhiều trong nước tiểu sau tuần 20 – sẽ có nguy cơ bị bệnh thuyên tắc ối;
  • Mổ lấy thai: Việc dùng kẹp hoặc giác hút lấy thai có thể làm tăng nguy cơ bị thuyên tắc ối. Các thủ thuật này có thể phá vỡ hàng rào vật lý giữa sản phụ và em bé. Nhưng các chuyên gia không chắc rằng mổ lấy thai có làm tăng nguy cơ mắc bệnh thuyên tắc ối hay không.
  • Rau bong non. Các yếu tố nguy cơ ở thai: suy thai, thai chết lưu, bé sơ sinh nam

Bệnh thuyên tắc ối không thể dự báo, không có cách dự phòng và là một cấp cứu sản khoa không điều trị được. Do đó các bác sĩ khi theo dõi sản phụ chuyển dạ cần nhanh chóng ghi nhận các dấu hiệu và triệu chứng, nhận định được chẩn đoán để kịp thời hồi sức tích cực và điều trị hỗ trợ là điều kiện tiên quyết có thể mang lại hy vọng cứu sống mẹ và thai nhi.

Nguồn: https://benhvien108.vn/thuyen-tac-oi-bien-chung-san-khoa-nguy-hiem.htm

Logo 3D
Share This