BỆNH VIỆN ĐA KHOA THIỆN HẠNH
Cùng bạn chăm lo sức khỏe

Bệnh viện Thiện Hạnh tổ chức Hội thảo khoa học về phát hiện sớm nguy cơ ung thư cổ tử cung

Tham dự Hội thảo có lãnh đạo Sở Y tế, Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh; cùng các chuyên gia đầu ngành đến từ Bệnh viện Từ Dũ (TP. Hồ Chí Minh) và gần 200 bác sĩ đến từ các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông.

Ngày 25-3, Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh phối hợp với Công ty Roche Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Xét nghiệm HPV DNA: Kỷ nguyên mới trong phát hiện sớm nguy cơ ung thư cổ tử cung”.

Tham dự Hội thảo có lãnh đạo Sở Y tế, Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh; cùng các chuyên gia đầu ngành đến từ Bệnh viện Từ Dũ (TP. Hồ Chí Minh) và gần 200 bác sĩ đến từ các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông.

Tại hội thảo, thạc sĩ, bác sĩ Lê Quang Thanh, Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ giới thiệu về chặng đường 70 năm tầm soát và phát hiện ung thư cổ tử cung cho thấy những thay đổi đáng kể về nhận thức trong quá khứ so với hiện tại. Nếu trước đây việc tầm soát ung thư cổ tử cung là dựa vào việc phát hiện sớm các giai đoạn tân sinh nhờ vào các phương tiện tầm soát tế bào học PAP, quan sát cổ tử cung rồi mới đến xét nghiệm HPV DNA thì ngày nay, HPV là xét nghiệm đầu tay trong sàng lọc ung thư cổ tử cung vì nó không chỉ có độ nhạy cao hơn Pap và VIA mà còn giúp phát hiện được nguyên nhân, định được cac typ nguy cơ cao ( typ 16 và 18).
HPV
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Quang Thanh, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Khắc Hân Hoan, Trưởng khoa Xét nghiệm di truyền y học, Bệnh viện Từ Dũ giới thiệu về vai trò của xét nghiệm HPV trong phát hiện sớm ung thư cổ tử cung. Cùng với đó, các chuyên gia đầu ngành cũng đã thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm với bác sĩ 3 tỉnh Tây Nguyên về lĩnh vực này.

Được biết, ung thư cổ tử cung là ung thư phổ biến thứ 4 trên toàn thế giới. Hằng năm, trên thế giới có khoảng 500.000 phụ nữ được chẩn đoán ung thư cổ tử cung và một nửa trong số đó tử vong, đặc biệt phần lớn số ca tử vong xảy ra ở Châu Á.

Tại Việt Nam, ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh ung thư có tỷ lệ tử vong cao ở phụ nữ với hơn 5.000 phụ nữ mắc bệnh mới hằng năm và mỗi ngày có khoảng 7 phụ nữ tử vong vì căn bệnh này. HPV là nguyên nhân gây nên hơn 99% các trường hợp ung thư cổ tử cung. HPV được lây truyền qua đường tình dục. Phần lớn các trường hợp nhiễm HPV đều không có triệu chứng và sẽ tự hết nhờ vào hệ thống miễn dịch tự nhiên của cơ thể. Tuy nhiên, khi xuất hiện triệu chứng cũng là lúc ung thư đã phát triển và ở vào giai đoạn khó điều trị.

Trên thực tế có hơn 100 chủng HPV nhưng chỉ có 14 chủng được xem là có nguy cơ cao dẫn đến ung thư cổ tử cung. Trong số đó chủng số 16 và 18 là hai chủng có nguy cơ cao nhất, gây nên 70% các trường hợp ung thư cổ tử cung. Phụ nữ bị nhiễm chủng HPV 16 hoặc 18 có khả năng phát triển thành tiền ung thư cổ tử cung cao hơn gấp 35 lần so với người không nhiễm HPV. Xét nghiệm HPV giúp tìm ra sự hiện diện của các chủng HPV nguy cơ cao, ngay cả khi chưa có những biến đổi trên tế bào cổ tử cung và ngay cả trước khi ung thư phát triển.

Video hoi thao HPVThạc sĩ, bác sĩ Lê Quang Thanh giới thiệu về chặng đường 70 năm tầm soát và phát hiện ung thư cổ tử cung tại Hội thảo.

Hiện nay, dịch vụ xét nghiệm HPV tại Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh được thực hiện trên máy Cobas 4800 của Công ty Roche, máy nhập khẩu từ Thụy Sĩ. Đây là hệ thống tự động hoàn toàn, sử dụng công nghệ mới dựa trên kỹ thuật sinh học phân tử cho độ chính xác cao và kết quả đáng tin cậy. Xét nghiệm Cobas HPV là xét nghiệm sàng lọc, phát hiện 14 chủng HPV nguy cơ cao gây ung thư cổ tử cung. Mẫu bệnh phẩm và cách lấy mẫu làm xét nghiệm cobas HPV cũng giống như mẫu bệnh phẩm làm xét nghiệm Pap, đó là tế bào cổ tử cung. Chỉ với một lần làm xét nghiệm cobas HPV sẽ cho biết cơ thể có bị nhiễm chủng HPV 16, chủng HPV 18 hoặc 12 chủng HPV nguy cơ cao khác hay không.

Logo 3D
Share This